Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung tâm Koto: “Ông tiên” của trẻ em đường phố

Ngọc Mai| 02/03/2010 07:23

(HNM) - Hơn 10 năm qua, hơn 300 trẻ em đường phố, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được đào tạo nghề, kỹ năng sống và có việc làm nhờ có mái ấm - Trung tâm Koto, 101 Xuân Diệu, Hà Nội.

Người sáng lập Trung tâm Koto là anh Jimmy Phạm, Việt kiều Ôxtrâylia. Khi về Việt Nam, nhận thấy có rất nhiều trẻ em lang thang cần giúp đỡ, anh có ý tưởng thành lập trung tâm đào tạo nghề và hướng nghiệp về chuyên ngành nhà hàng, khách sạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi 16 đến 22. Khóa đào tạo nghề trong 2 năm bắt đầu bằng chương trình định hướng về nghề nghiệp, sau đó các em được học tiếng Anh chuyên ngành và những kỹ năng sống, kỹ năng trả lời phỏng vấn, kỹ năng nghề nghiệp... Kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ của Học viện Box Hill Tafe (Ôxtrâylia) và chứng chỉ của Trung tâm Koto. Bà Đỗ Thúy Nga, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: "Sau khi tốt nghiệp, các em thường nói tiếng Anh rất tốt vì được giao tiếp thường xuyên với người nước ngoài. Mặt khác, các em có lợi thế là được một trường quốc tế có uy tín cấp chứng chỉ nên sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài".

Học viên trong lớp học tiếng Anh.


Em Phạm Thị Huế là con một gia đình nghèo ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Bố em bị bệnh nặng, em lên Hà Nội kiếm sống và được chùa Bồ Đề, quận Long Biên cưu mang. Em được nhận vào học nghề bếp ở trung tâm. Huế cho biết: Trong thời gian học nghề, hằng tháng em và các bạn được trung tâm trợ cấp 250.000 đồng tiêu vặt và 400.000 đồng tiền ăn. Học xong, cơ hội có được việc làm của em là rất lớn. Em có thể kiếm được tiền gửi về quê cho bố mẹ. Chị Hoàng Thị Hạnh, giảng viên bộ phận bàn - bar của trung tâm cho hay: "Trước đây tôi cũng là học viên ở đây, sau khi tốt nghiệp được trung tâm giữ lại giảng dạy. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được đóng góp và giúp đỡ những em cùng hoàn cảnh". Mẹ mất sớm, bố một mình nuôi mấy đứa con nhỏ ăn học, Hạnh đành phải bỏ học kiếm tiền phụ giúp bố. Đến nay, Hạnh không chỉ tự nuôi được bản thân mà hằng tháng còn dành được một khoản tiền nhỏ gửi về đỡ bố. 100% học viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm trong các khách sạn, nhà hàng lớn ở Hà Nội. Nhiều em đã mở cửa hàng riêng, rất thành đạt.

Từ một quán cà phê nhỏ được thành lập ở 59 Văn Miếu, Hà Nội, đến nay Koto đã phát triển thành một trung tâm lớn mạnh, có uy tín trong việc giúp đỡ trẻ em đường phố và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Điều đáng ghi nhận là 100% các em đến học ở Koto, sau khi tốt nghiệp đều rất tự tin bước vào đời, sống được bằng nghề và hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm Koto: “Ông tiên” của trẻ em đường phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.