Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về khóa học tiếng Nga đầu tiên

ANHTHU| 09/11/2003 09:28

Ông Nguyễn Dy NiênNăm 1954, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, Hà Nội mới được tiếp quản. Lĩnh vực hoạt động đối nội còn cả núi công việc cấp bách, Bác Hồ và Nhà nước ta đã lo ngay đến việc giao lưu với bầu bạn khắp thế giới. Vào thời điểm đó, dĩ nhiên chỗ dựa chiến lược trước hết là Liên Xô, Trung Quốc. Vậy thì cần nhiều cán bộ biết tiếng Nga, tiếng Trung. Con số cả nghìn lưu học sinh, Bác Hồ lo từ trước, gửi sang Quế Lâm, Nam Ninh rồi tới Bắc Kinh để đi Mát-xcơ-va từ đầu những năm 1950 chưa thấm tháp vào đâu. Đầu năm 1955, một  vài bộ, ngành đã “chữa cháy” bằng cách mở các lớp cấp tốc. Bộ Giáo dục mở lớp tiếng Nga; Bộ Ngoại giao - tiếng Anh. Bộ trưởng Ngoại giao hiện nay, ông Nguyễn Dy Niên, “đi ra” từ chính lớp tiếng Anh văn sáu tháng này.

Bộ mặt trường lớp

Ngày ấy, Ô Cầu Dền, một bãi rác đầy ma! Nghe nói, trước ngày Hà Nội giải phóng, có số ngoại kiều, ấn Độ chẳng hạn, có tập tục hỏa táng, đem người quá cố ra đây thiêu xác. Củi cháy khói um, khét lẹt... Từ đây, nhìn qua cánh đồng tít tắp sang bên kia từ hồ Bảy Mẫu xuống tận Nhà thương Bạch Mai. Giữa cánh đồng ấy, cuối năm 1955, mọc lên nhỏ nhoi chừng dăm chục nóc nhà tranh, vách tróc xi nằm dọc hai bên bờ sông Tô Lịch ken dày hoa bèo tây. Trường đấy!

Giáo sư, Viện sĩNguyễn Khánh Toàn, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Giáo dục, làm Hiệu trưởng,là một trong số ít nhà cách mạng đầu tiên biết tiếng Nga, ông là sinh viên Trường Đông phương Mát-xcơ-va. Hai Phó hiệu trưởng là các ông Lê Kim Chung, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao và Nguyễn Văn Tuất, ủy viên ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu Việt Bắc. Ký vào bằng tốt nghiệp của gần 400 học viên hai ban Nga và Trung văn ra trường tháng 1-1958 là bác sĩ Hồ Đắc Di, Vụ trưởng Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Thầy trò

Mở trường gấp gáp kéo theo việc gì cũng gấp gáp. Chưa hề có tiền lệ đối với các thầy -chuyên gia hai nước được mời sang giảng dạy. Thày V.Kolesnikov, Trưởng đoàn các giảng viên tiếng Nga, cùng mười thầy cô Xô-viết bay sang Hà Nội hôm trước thì hôm sau “nắm” đủ trình độ trò để soạn giáo án. “Ăn bữa nay” lo “bữa mai”. Nghĩa là, thầy hôm nay soạn xong bài học cho ngày mai thì lập tức các trợ giảng dịch sang tiếng Việt, đưa đánh máy giấy nến, quay ronéo để kịp phát cho học viên trước giờ lên lớp. Nhiều lần máy quay giở chứng, in không kịp đành lên lớp “chay”. Hai mươi trò ngồi nghe im phăng phắc như vịt nghe sấm. Thế mới có chuyện từ rabốtta (công việc), cô đọc lơ lớ tiếng Việt không dấu, mất chữ, một anh nhanh nhảu lên bảng vẽ hình con vịt. Cô xua tay: “Nhét! Nhét!” (Không! Không!), cô nhắc lại: “Coong vi...ẹt”. Học viên vẽ lại con vịt thành con vẹt. Cả lớp vẫn ngơ ngác mà cười.

Cái thời các cụ học ngoại ngữ thế đấy. Thì, ngoài sự ngưỡng một “tiếng nói của Lênin” như Bác Hồ dạy và trách nhiệm cao cả của người học, không có bất cứ tài liệu, phương tiện phụ trợ nào hết. Mà trình độ thì lại hạn chế, chưa đủ cấp hai và lôm côm: trường ta, trường tây, lõm bõm tiếng Anh, tiếng Pháp lại càng dễ “chữ tác đánh chữ tộ”.

Ngày học ba buổi: sáng, chiều, tối theo lệnh kẻng. Khẩu hiệu bất thành văn là “Học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm”. Khốn nỗi, đêm điện cuối nguồn, đèn như con đom đóm đực. Lại, cũng thế mới có chuyện ông Nguyễn Túc, hiện là ủy viên Thường trực Đoàn chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kể: Ông và ông Trần Tài, Phó tổng giám đốc Xuất, nhập khẩu xăng dầu hiện nay, nằm chung chiếc giường tầng. Ông nằm dưới còn ông Tài nằm ở tầng trên. Học khuya. Ngủ say. Một chú chuột đói gặm chân, ông Tài sợ quá miệng la hét, tay chân đập xuống giường rầm rầm. Và khi đèn bật sáng thì ông Túc nhận ra lưng mình bị ướt, nong nóng thoảng mùi khai từ trên giường nhỏ xuống. Ông Phó tổng giám đốc tương lai khẩn khoản xin lớp giữ kín chuyện kẻo đến tai vợ chưa cưới. Hôm cưới, “đã chắc ăn”, ông Túc bèn lộ chuyện. Hai họ cười vỡ trời, chỉ thấy cô dâu Tường liếc nhanh chú rể Tài, nhìn xuống đỏ mặt cười tủm ra điều rằng... bõ cái công kén chọn.

Những cánh chim đầu đàn

Gia sản cha mẹ chia phần ít nhiều làm vốn ra ở riêng. Kẻ vận may phất nhanh hiếm. Phần lớn hạnh phúc bền lâu nhờ đầu óc biết làm ăn, đổ mồ hôi, sôi nước mắt quyết lập nghiệp. Với các khóa sinh viên tiếng Nga này có thể ví như vậy.

Tháng 2-1958, số cán bộ cơ quan, sĩ quan quân đội biệt phái trở về đơn vị nhận công tác ngay. Làm phiên dịch hoặc dùng tiếng Nga làm phương tiện công tác sau này đều thành đạt. Số còn lại học tiếp nửa năm nữa rồi về các trường đại học xây dựng các khoa chuyên ngữ, lập các bộ môn tiếng Nga trong các trường không chuyên ngữ. Dần dần được bồi dưỡng nâng cao, vẫn bằng nghị lực tự học là chính, họ đều trưởng thành, xứng đáng là những cánh chim đầu đàn trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu... xây dựng nên ngành Nga ngữ học nước ta ngày nay.

HNM
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về khóa học tiếng Nga đầu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.