Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những đứa con thành phố

ANHTHU| 11/11/2003 15:23

Tôi học xa nhà đã lâu, xa quê, nhớ nhà, song chẳng mấy khi về, tiền tàu xe đã mất cả vụ mùa của cha mẹ, còn phải quà cáp cho một đàn cháu nhỏ, không có đôi dép, bộ quần áo thì cũng có dăm ba gói kẹo ngon ngon cho đáng

Trong ký túc xá sinh viên

Tôi học xa nhà đã lâu, xa quê, nhớ nhà, song chẳng mấy khi về, tiền tàu xe đã mất cả vụ mùa của cha mẹ, còn phải quà cáp cho một đàn cháu nhỏ, không có đôi dép, bộ quần áo thì cũng có dăm ba gói kẹo ngon ngon cho đáng "quà Hà Nội".

Mỗi lần về, mẹ tôi thường kể chuyện làng xóm, những thay đổi trong gia đình ông A, Bà B, vợ chồng chị C... Rồi cái M sắp đẻ, chị Q sinh con trai...Đã đành chuyện lấy chồng, sinh con là thiên chức của người phụ nữ, song điều đáng nói ở đây là con trai chị Q, hay con sắp đẻ của M đều là "những đứa con thành phố" và ... chưa có bố!

*"Hôm qua em đi tỉnh...

M là con thứ hai trong một gia đình có 9 người con, học cùng cấp hai với tôi, đến giữa lớp 8 vì gia đình khó khăn nên M bỏ học ở nhà kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Vụ mùa xong, M chạy chợ bán buôn đủ các thứ để kiếm đồng ra đồng vào đỡ đần bố mẹ. Rồi cơm cao, gạo kém, người bán thì nhiều, người mua thì ít, hàng hoá ế ẩm, cái bụng chẳng chịu yên ... thế là M "mang tuổi xuân" củamình ra thành phố bắt đầu cuộc mưu sinh. 

Hai tháng, M gửi về cho gia đình hơn một triệu đồng. Nghe đâu M đi bưng bê rửa bát thuê cho một nhà hàng khá nổi ở Hà Nội. Bố mẹ M vui lắm nghĩ con mình làm ăn chân chính, số tiền ấy ông bà làm quần quật cả vụ mùa bội thu chắc gì đã được. Rồi ba tháng, bốn tháng, năm tháng M vẫn góp tiền gửi về , đến tháng thứ 7 thì về quê hẳn với vài chục nghìn trong tay, mái tóc cụt lủn, cổ gầy dơ xương và cái bụng "vượt mặt" từ bến xe từ đầu làng về nhà.

Chị Q may mắn hơn M, chị khá xinh đẹp nếu không muốn nói là hoa khôi của làng, gia đình chị cũng lo cho chị học nghề may mặc, về mở kiốt gần chợ, đông khách, bình quân ngày kiếm được mấy chục nghìn tiền lãi, khách quen, nợ đến mùa trả bằng lúa, vậy bố mẹ chị Q cũng đỡ lo khoản "ngày ba bữa", các em chị cũng được học hành, lên lớpnhờ vào một phần sức lao động cật lực thức đêm dậy sớm của chị. Những tưởng cuộc sống như thế là tạm ổn, chị Q chọn lấy cho mình một ông chồng thế là dư dả sống ở quê. Nhưng một hôm có mấy người bạn học ở tỉnh về trò chuyện thế nào, tâng bốc thế nào rồi chị Q đóng cửa hiệu may rồi khăn gói ra tỉnh, bỏ lại đằng sau niềm tiếc nuối của khách hàng quen và một hàng dài những chàng chờ lọt vào mắt xanh của chị.

Vài tháng sau cả xóm rộ lên vì chuyện chị Q đưa chồng về nhàgiới thiệu với bố mẹ, chồng chị là "cán bộ cấp cao", có cả xe con hẳn hoi, về đến làng bấm chuông inh ỏi, trẻ con ùa ra nhìn ngó. Nghe đâu hai vợ chồngchị về nhà thông báo là đã tổ chức lễ cưới ở trên tỉnh, vì điều kiện nên không thông báo được ngay cả với ... bố mẹ đẻ của mình. ở nhà được chừng ba mươi phút rồi vì " nhà con bận việc nên phải đi ngay" chị chỉ kịp đưa cho bố mẹ một ít tiềnvà dặn dò các em, rồi hãnh diện cùng "chồng" bước lên "xe hoa" về phố, để lại đằng sau lớp bụi đỏ mù mịt bám đầy lên hai hàng cây bên đường.

Bẵng đi một thời gian, làng xóm họ hàng đang mừng vui vì có cô cháu có dố đào hoa thì chị Q "diện" một chiếc váy đỏ chon chót về làng chờ đến ngày ... nằm ổ, với lý do rất xác đáng "chồng" đi công tác xa lâu ngày, ở một mình không có ai chăm sóc lại đang sắp đến ngày sinh nở, về nhà có bố mẹ tiện hơn.

*...về"

Chị Q đã sinh được một thằng cu kháu khỉnh, nhưng sắp hết tháng thứ ba rồi mà vẫn chưa thấy bố về thăm. Làng xóm bắt đầu nghi hoặc, dèm pha "yêu đương gì, chồng con gì, nó lừa đấy, bây giờ xe con mối chả xe to lắm vào", "thằng ấy thấy gái quê mùa, nó lợi dụng thôi, nó thiếu gì tiền..." ở quê, chuyện đầu làng cuối xóm đã biết, người một câu, tai nọ xọ tai kia, đủ mọi lẽ, bố mẹ chị Q ra đường không dám ngẩng mặt lên vì cái chức "ông bà ngoại" được phong mấy tháng rồimà vẫn chưa thấy "ông" con rể mang hộp sữa đến mừng con. Tôi gặp chị Q chị kể: được mấy đứa bạn giới thiệu cho hàng may thủ công trên tỉnh. Chị vào đấy làm được vài tháng thì gặp anh T đến đặt hàng . Đi lại vài ba lần anh T thấy mến và bảo rằng anh rất yêu quý chị - với nhan sắc vốn không thua kém gì gái thành phố, lại được thay đổi môi trường ăn mặc chỉn chu, chị Q càng xinh đẹp hơn. Anh T là trợ lý đắc lực của một ông chủ tư nhân sản xuất dây chuyền quần áo, theo lời chị Q thì ngoài 30 tuổi rồi nhưng mải làm ăn nên anh chưa tính đến chuyện gia đình, rồi anh gặp được chị Q và dường như số phận vv.. và vv.. một bài diễn thuyết cũ rích, tôi thầm nghĩ khi chị Q vừa kể vừa hồi tưởng lại kỷ niệm đã có giữa hai người. Anh T ngỏ lời muốn cưới chị, họ tổ chức đám cưới trong một nhà hàngkhá sang trọng, tốn cả mấy triệu bạc, chứng kiến lễ cưới chỉ có vài ba người bạn của anh T, họ ăn uống nhảy nhót suốt đêm. Tôi hỏi Q "có bao giờ chị nghi ngờ anh T không?" "Cũng có, song với tất cả những gì anh làm, anh nói chị lại bỏ qua hết , với chị thế là thiên đường rồi". "Bây giờ chị định thế nào?". "Đợi một vài tháng nữa, thằng bé được cứng cáp, chị sẽ mang nó đi cùng, T không thể lừa dối chị, thời gian này anh ấy đang ở Sài Gòn, anh ấy phải về chứ!".

Chị Q còn có cơ mà "vạ", còn M "Thằng cha ấy nó biến mất tăm sau mấy lần hò hen với tao, tao dại quá, tao không biết nó ở đâu, vậy mà cứ tin tưởng chờ ngày nó về, bây giờ thì..." M vừa rơm rớm nước mắt, vừa kể cho tôi nghe chuyện tình bi đát của mình. Hàng ngày M phải chịu sự quát, chửi của bố "có đâu ngờ tiêu những đồng tiền bẩn thỉu ấy, cứ tưởng nó làm ăn chân chính, chịu khó, chịu khổ ai ngờ nó vác cái nhục nhã về cho bố mẹ...". M đành cắn răng chịu, bây giờ còn biết đi đâu, nhà đã đông người toàn những người ăn được, còn làm thì ... chưa đủ tuổi, nhà đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, miếng cơm manh áo đâu dễ kiếmtrong thời buổi này, mùa màng thất bát, lụt lội, thiên tai, ra thành phố mong khám phá hơn tí chút thì gần như đều mang tai hoạ về nhà.

Kết

Những tưởng ra thành phố kiếm sống sẽ được đổi đời, nhưng dường như cái gì cũng có cái giá của nó. Hai trường hợp trên chỉ điển hình cho một bộ phận nhỏ những cảnh ngộ ở quê tôi. Những cô gái từ nông thôn ra tỉnh nhẹ dạ, cả tin lại gặp phải những anh chàng "họ Sở" thì cái hi vọng đổi đời lại càng mong manh. Chỉ hi vọng rằng, những cô con gái đang có ý định bỏ làng đi lập nghiệpở tỉnh hãy thận trọng và tỉnh táo hơn trưóc những cám dỗ , đừng mang về "trình làng" những đứa con thành phố và không biết mặt bố...!

Trần Hoàng Thiên Kim

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những đứa con thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.