Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đem hồn Việt vào trong hàng thủ công mỹ nghệ

THUHANG| 13/11/2003 17:37

Một trong những sản phẩm phục vụ SEA Games 22 của cơ sởMong muốn của tôi ngoài mục đích kiếm lời, còn muốn quảng bá sản phẩm của mình tới mọi miền đất nước, từ đó vươn ra bạn bè quốc tế. Đó là lời tâm sự rất chân thành của chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Lê Trọng Khoát-Từ Sơn- Bắc Ninh- người đã mạnh dạn đưa cánh chim Lạc, trâu vàng vào trong đồ gỗ mỹ nghệ.

"Ra quân năm 1990, về với cuộc sống của một anh nông dân, thấy cuộc sống gia đình mình khổ cực quá. Trong khi đó mình lại chứng kiến nhiều đổi thay của quê hương, chứng kiến những hộ gia đình giàu lên nhờ làm nghề truyền thống, chất lính trong người đã không cho tôi lùi bước. Sẵn có nghề trong tay và tôi quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ". Lúc đầu do còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cơ sở của anh còn nhỏ lắm, cũng chỉ làm được một số mặt hàng đơn giản. Một thời gian sau có được chút vốn, tích luỹ được kinh nghiệm, anh mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng sản xuất. Anh bắt đầu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và anh đã thành công, vươn lên nhờ đầu tư đúng hướng.

Bây giờ anh đã là một ông chủ số vốn cũng khá lên tới hàng trăm triệu, lúc nào cũng có khoảng 7-8 thợ với tiền lương khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng cho thợ bậc cao, 500.000 - 600.000đ/tháng cho thợ đánh bóng sản phẩm. Ngoài ra anh còn thu hút được nhiều lao động từ các cơ sở sản xuất khác. Các cơ sở khác nhận hàng của anh về và làm theo hướng dẫn của anh. Tính tổng cộng cơ sở của anh cũng thuhút được trên 20 thợ. Một điều đặc biệt độ tuổi của thợ rất trẻ từ 25 - 30 tuổi. Theo anh độ tuổi này đang đủ  độ chín.

Sản phẩm của anh hiện nay rất phong phú. Nhưng chủ yếu là những hàng thủ công đòi hỏi phải cầu kỳ, thợ bậc cao mới làm được như tượng phật Di Lặc, lọ hoa khảm trai, hoa văn, hình rồng... Nguyên liệu làm các sản phẩm này được lấy từ gỗ phế liệu, đó là các gốc cây bỏ đi. Những nguyên liệu này do đích thân anh băng rừng, lội suối tìm kiếm sau đó tìm cách vận chuyển đưa ra ngoài thuê xe chở về. Đến nhà anh thoạt tiên nhìn một đống gỗ bỏ đi, tôi nghĩ đống gỗ kia có thể làm gì ngoài làm củi. Thế rồi tôi liên tiếp gặp phải những bất ngờ, đống gỗ tưởng chừng không sử dụng được đó dưới bàn tay phù phép của người thợ, nó đã trở thành những vật dụng có ý nghĩa, những sản phẩm đẹp mang hồn dân tộc. Anh còn chỉ cho tôi cả một kho lớn những gỗ bỏ đi, anh nói đầy hóm hỉnh "Trông bỏ đi thế mà cũng hơn 200 triệu cơ đấy".

Khi Ban tổ chức SEA Games quyết định chọn biểu tượng con chim Lạc và trâu vàng, biểu tượng và linh vật cho SEA Games 22, anh chợt nghĩ "mình phải đưa chúng lên trên đồ gỗ". Từ ý tưởng đó, anh tiến hành thực hiện. Trước tiên đi xin bản quyền. Sau nhiều ngày vất vả xin bản quyền, anh bước vào một thử thách làm sao phải thể hiện chúng trên gỗ sao cho thật sinh động, vừa mang dáng vẻ của dân tộc, vừa có dáng vẻ của tinh thần thể thao. Những ngày sau này đối với anh thật khó khăn và vất vả. Suốt ngày anh phải ngồi trong xưởng đục đục, ngắm ngắm. Có lúc quên cả ăn cả ngủ. Trong thời gian đầu, anh làm cũng bị hỏng nhiều lắm. Vì khi làm lên, thấy sản phẩm chưa được ưng ý, anh làm lại cái khác. Nhưng rồi lòng kiên trì đã thắng, anh thành công trong việc thực hiện ý tưởng của mình. Và sản phẩm biểu tượng của Đại hội thể thao lớn nhất Đônng Nam Á được thể hiện trên gỗ đã trở thành đồ lưu niệm đầy ý nghĩa cho du khách đến với SEA Games 22 tại Việt Nam.

Để có được thành phẩm đem bán, phải trải qua hàng chục công đoạn. Đầu tiên lựa chọn gỗ, tạo phôi, tạo hình. Đây là công đoạn khó nhất đòi hỏi phải thợ bậc cao. Công đoạn cuối cùng là đánh bóng sản phẩm. Nhưng khi hoàn thành rồi, anh lại gặp phải khó khăn mới, đó là đưa sản phẩm của mình ra giới thiệu trước công chúng. Tuy nhiên, lo lắng nhất của anh không phải ở đó mà là vấn đề bản quyền. Làm sao giữ được bản quyền mà bao ngày anh lăn lộn, vất vả làm ra, đó mới là khó. Anh tâm sự "người ăn cắp bản quyền cũng như người sao băng đĩa lậu, họ không cần biết người làm ra nó là ai, họ chỉ biết có và in sao ra". Đây không chỉ lo lắng của riêng anh mà của tất cả các doanh nghiệp nói chung.

Tuấn Đàm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đem hồn Việt vào trong hàng thủ công mỹ nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.