Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Thái Bình - Hoa Lâm

ANHTHU| 13/11/2003 19:45

Xã Hoa Lâm ở ngay vệ đê sông Đuống, cách Cầu Đuống hơn 2 km, xưa gồm 3 thôn: Thái Đường (thời Đồng Khánh 1886 - 1889 đổi thành Thái Bình), Lê Xá (Kẻ Lời) và Phúc Thọ (làng Chợ), vốn từ làng gốc Thái Đường - Hoa Lâm tách ra nên lần lượt được gọi là Thái Đường Đông thôn; Thái Đường Thượng thôn và Thái Đường Thị thôn.  Trước Cách mạng, xã Hoa Lâm thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1961 thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh.

Xã Hoa Lâm ở ngay vệ đê sông Đuống, cách Cầu Đuống hơn 2 km, xưa gồm 3 thôn: Thái Đường (thời Đồng Khánh 1886 - 1889 đổi thành Thái Bình), Lê Xá (Kẻ Lời) và Phúc Thọ (làng Chợ), vốn từ làng gốc Thái Đường - Hoa Lâm tách ra nên lần lượt được gọi là Thái Đường Đông thôn; Thái Đường Thượng thônThái Đường Thị thôn.Trước Cách mạng, xã Hoa Lâm thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ năm 1961 thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh.

Làng Thái Bình theo lưu truyền dân gian xưa là Hoa Lâm viên - vườn của các vua nhà Lý; còn theo chính sử là nơi tế lễ của vương triều này. Dấu tích của khu vườn này còn có thể xác định qua một số địa danh và một số phế tích còn lưu. Làng hiện còn có ngôi đình khá bề thế dựng lại năm Thành Thái 17 (1905), gồm 5 gian 2 dĩ. Đình thờ Đào Kỳ - tướng của Hai Bà Trưng cùng vợ là Phương Dung dẫn đại quân đánh chặn Mã Viện (cuối năm 43 sau CN), bị thương ở trận tiền vẫn một tay cầm kiếm chiến đấu với giặc, vừa giữ vết thương về đến làng mới ngã xuống. Ngoài ra, đình còn thờ Lý Chiêu Hoàng và 2 vị quan triều Lý cùng một vị thổ thần. Lễ hội hàng năm tổ chức từ mồng 6 đến 10 - 3.

Làng Thái Bình – Hoa Lâmcó 4 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến, gồm 1 người họ Đỗ là Đỗ Công Quỳnh (1645 - ?) đỗ năm 1685; 3 người họ Trịnh là Trịnh Đức Nhuận (1653 - 1713), đỗ năm 1676, làm quan đến Hộ bộ Tả Thị lang, Bồi tụng, có nhiều công lao trong việc bảo vệ biên cương phía Bắc; Trịnh Xuân Thụ (1704 - ?) là con Trịnh Đức Nhuận, đỗ Hoàng giáp, năm 1748, được cử đi sứ sang nhà Thanh và Trịnh Xuân Thưởng, đỗ năm 1847. Ngoài 4 tiến sĩ, họ Trịnh này còn có 33 người đỗ hương cống, cử nhân, trong đó có 29 người thuộc các đời thứ 8, 9, 10, đỗ dưới triều Lê Trịnh. Các năm 1723, 1771, mỗi khoa có 3 người, năm 1726 có 4 người họ Trịnh cùng đỗ. Dòng họ hiện cón lưu được nhà thờ và tấm bia “Đông Hoa Trịnh tiến sĩ" từ năm 1696 ghi lại lai lịch dòng họ và cuộc đời, sự nghiệp của Tiến sĩ Trịnh Đức Nhuận. Nhà thờ được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích lịch sử văn hoá (1997).

Sau Cách mạng, truyền thống hiếu học và khoa bảng của người làng Thái Đường vẫn được duy trì và phát huy. Chỉ tính riêng dòng họ Trịnh đã có trên 100 người đỗ đại học, trong đó 5 người có học vị cao và học hàm, tiêu biểu là Giáo sư Tiến sĩ Hoá học Trịnh Xuân Khuê (đời 15 chi Giáp), Giáo sư Bác sĩ Y khoa Trịnh Bỉnh Di (đời 15 chi Giáp), Nhà Vật lý không gian, chuyên gia hàng đầu thế giới về các thiên hà li ti, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Virgirna (Mỹ) Trịnh Xuân Thuận.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Thái Bình - Hoa Lâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.