Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Thượng Cát

ANHTHU| 18/11/2003 17:38

Làng Thượng Cát (làng Kẻ) ở ven sông Hồng, thuộc xã Thượng Cát huyện Từ Liêm đã đi vào chính sử với sự kiện Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương lấy Quân Thần châu làm ranh giới phân chia phạm vi ảnh hưởng (năm 557)...

Hội làng Thượng Cát

Làng Thượng Cát (làng Kẻ) ở ven sông Hồng, thuộc xã Thượng Cát huyện Từ Liêm đã đi vào chính sử với sự kiện Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương lấy Quân Thần châu làm ranh giới phân chia phạm vi ảnh hưởng (năm 557).

Từ nội thành, theo đường 32, đến Nhổn rẽ tay phải, đi khoảng 5 km theo đường 70 là đến làng; hoặc theo đường đê sông Hồng từ nội thành qua Đông Ngạc – Chèm, khoảng 5 là đến được làng.

Theo lưu truyền dân gian trong vùng thì Thượng Cát xưa kia là vùng đầm lầy, rừng rậm ven sông Hồng, được các lớp cư dân Việt cổ đến khai phá, lập làng, lấy tên Nôm là Kẻ Kẻ, gồm các làng: Thượng Cát, Hạ Cát và Đống Ba, gọi chung là vùng Kẻ, hợp cùng vùng Kẻ Giầy, Kẻ Gối ... cư tụ thành vệt làng đông đúc dọc sông Hồng. Đầu Công nguyên, ba anh em cũng là tướng của Hai Bà Trưng là Quách Lãng, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương từ Hoa Lư (Ninh Bình) đã về vùng Kẻ, chiêu tập nghĩa sĩđánh đuổi quân xâm lược nhà Hán. Sau khi ba anh em lần lượt hy sinh hoặc qua đời, dân vùng Kẻ tôn làm thành hoàng.

Vào thời Mạc (1527 – 1592), làng Thượng Cát là lỵ sở của Ty Thừa và Ty Hiến của trấn Sơn Tây.

Làng Thượng Cát còn lưu giữ được một hệ thống đình, chùa, đền khá cổ kính. Đình ở ngay chân đê, hướng Đông, kết cấu chữ “Công”. Tiền đình gồm 7 gian 2 dĩ với những cột khá to, nối với hậu cung 3 gian bằng toà ống muống. Theo tấm bia trụ niên hiệu Chính Hòa 11 (1690) dựng trước cửa đình thì đình được dựng trước đó một năm (năm 1689). Sau đó đã quan nhiều lần tu sửa, nhưng kiến trúc, điêu khắc vẫn mang đậm phong các thời Lê.

Chùa làng Thượng Cát có tên là Kỳ Vũ tự, xa xưa là chùa Cổ Giác, là ngôi chùa lớn, kết cấu kiểu "nội công ngoại quốc", được dựng với quy mô lớn vào năm Vĩnh Thọ 2 (1659). Đến năm Thịnh Đức 3 (1655) đúc quả chuông lớn (hiện còn lưu trong chùa) với sự đóng góp của nhiều quan lại cao cấp, các quận chúa, cả thương nhân nước ngoài.

Thượng Cát còn có đền Tam thánh. Trong đền có 42 pho tượng các vị thần của 3 tôn giáo : Nho - Phật - Đạo, biểu hiện cho ‘Tam giáo đồng nguyên’ của người Việt Nam.

Thượng Cát xưa cũng được coi là đất hiếu học và đỗ đạt. Làng có 4 tiến sĩ là Nguyễn Duy Trinh (1443 - ?), đỗ Hoàng giáp năm 1481, dẫn đầu phái đoàn sứ bộ sang nhà Minh (năm 1500); Nguyễn Cảnh (1510 - ?), đỗ năm 1541, làm quan đến Tả Thị lang; Trần Lương Năng(1647- ?), đỗ năm 1676; Trần Vĩ(1814 - ?), đỗ năm 1841, làm Đốc học Hà Nội. Ngoài ra, làng Thượng Cát còn hơn 10 người đỗ trung khoa. Từ xưa làng đã có chế độ khuyến học thoả đáng. Theo bản hương ước có tiêu đề “Thượng Cát xã hương lệ” soạn năm Tự Đức thứ 7 (1854) thì người đỗ tiến sĩ được làng mừng 100 quan, biếu một mẫu đất bãi, đỗ cử nhân được mừng 60 quan, biếu 6 sào đất bãi, đỗ tú tài được mừng 20 quan, biếu 3 sào đất bãi.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Thượng Cát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.