Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý ô nhiễm kênh T2 huyện Hoài Đức: Tích cực triển khai các giải pháp

Kim Vũ| 20/12/2018 07:20

(HNM) - Hơn 10 năm qua, người dân ở xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh T2 chảy qua địa bàn.

Bùn, rác thải đóng thành tảng dày ở kênh T2.


Dòng kênh “chết”

Kênh trục chính T2 có chiều dài 10km, chảy từ huyện Đan Phượng qua địa bàn các xã Minh Khai, Dương Liễu, Sơn Đồng, Vân Canh (Hoài Đức) và đổ ra sông Nhuệ (đoạn qua quận Nam Từ Liêm). Kênh có nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiêu nước sinh hoạt cho hàng chục xã, phường của 3 quận, huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, tuyến kênh này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, được người dân gọi là dòng kênh “chết”.

Nguyên nhân chính là tại các xã có nghề chế biến nông sản, chăn nuôi phát triển, như: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, mỗi ngày các hộ dân làng nghề thải trực tiếp hàng nghìn mét khối nước, bã thải trong quá trình chế biến tinh bột sắn, dong riềng chưa qua xử lý vào kênh T2.

Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải làng nghề của huyện Hoài Đức còn thiếu, chưa đồng bộ, dẫn đến kênh T2 ngày càng ô nhiễm, dòng chảy bị tắc nghẽn ở một số điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân một số xã có tuyến kênh đi qua.

Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi kênh T2 ô nhiễm đó là xã Sơn Đồng. Đi dọc tuyến kênh từ đầu đến cuối xã, mùi hôi thối từ kênh bốc lên nồng nặc. Song, ô nhiễm nặng nhất là tại đoạn chảy qua cầu Chợ Đồng, xã Sơn Đồng.

Theo phản ánh của các hộ dân, khu vực này quanh năm ô nhiễm, nhưng nặng nhất là thời điểm chính vụ sản xuất tinh bột của các làng nghề chế biến nông sản (khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau). Thời điểm này, mặt kênh T2 thường xuyên phủ kín mảng lớn bã thải từ các làng nghề chảy xuống. Chưa kể, dọc hai bên tuyến kênh là rác thải, túi ni lông, xác động vật chết… ken cứng.

Chị Nguyễn Thị Huyền, xã Sơn Đồng cho biết, từ nhiều năm nay, kênh T2 bất đắc dĩ phải "khoác" trên mình một màu đen kịt, nhưng vì kế sinh nhai nên chúng tôi đành chấp nhận sống chung với hôi thối, ô nhiễm.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, cán bộ địa chính xã Sơn Đồng cho biết, ngoài lượng nước, bã thải do các làng nghề thải trực tiếp xuống, kênh T2 đoạn qua cầu Chợ Đồng còn là nơi xả nước thải sinh hoạt của xã Sơn Đồng nên “gánh nặng” ô nhiễm ngày càng tăng.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Nói về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại kênh T2, ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho biết, từ nhiều năm nay, UBND huyện đã đề nghị Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài tổ chức nạo vét, thau rửa kênh nhưng giải pháp này chưa phát huy hiệu quả.

Mặt khác, UBND huyện Hoài Đức yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn, dong riềng, chăn nuôi... tại các xã có kênh T2 chảy qua ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không xả rác, chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc sai phạm.

Về lâu dài, từ năm 2012, UBND thành phố đã phê duyệt 3 dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải trên địa bàn huyện. Cụ thể, năm 2013, xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, giải quyết nguồn xả thải cho 3 xã Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu. Theo tính toán, nếu hoạt động đúng công suất thì nhà máy sẽ thu gom, xử lý 20.000m3 nước thải/ngày đêm, giải quyết hoàn toàn khối lượng nước thải xả ra hằng ngày của 3 làng nghề này.

Tuy nhiên, tháng 10-2016, nhà máy đi vào hoạt động chỉ thu gom, xử lý khoảng 3.000-5.000m3 nước thải/ngày đêm. Nguyên nhân do hệ thống thu gom rác thải của nhà máy chưa hoàn thiện, chưa có thiết bị phân tách xơ sợi, phải dùng biện pháp thủ công nên phần còn lại vẫn phải xả thẳng ra kênh T2.

Hiện thành phố đã giao cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền sớm hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chậm nhất đầu năm 2019 phải xử lý xong. Dự án thứ 2 là Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng, dự kiến thu gom xử lý nước thải cho khu vực các xã Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên; công suất thu gom 8.000m3 nước thải/ngày đêm; đầu tư trạm bơm chuyển tiếp và hệ thống ống thu gom, vận chuyển nước thải về nhà máy xử lý.

Tuy nhiên, đến nay, dự án mới hoàn thành 90% khối lượng thi công, dự kiến năm 2019 mới có thể vận hành. Riêng dự án thứ 3 là Dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Vân Canh đến nay vẫn chưa triển khai do thay đổi nguồn vốn đầu tư, kêu gọi xã hội hóa.

Theo UBND huyện Hoài Đức, nếu 3 dự án cùng hoạt động thì mới đủ sức thu gom và xử lý hết nước thải ở 52 làng nghề, 20 xã và thị trấn. Hiện mới chỉ có 7/52 làng nghề, 11 xã được xử lý nước thải. Như vậy, ô nhiễm ở kênh T2 có được giải quyết hay không phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các dự án nói trên.

Mong muốn này cũng được đề nghị tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức tháng 7-2018, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Tổ đại biểu số 24 HĐND TP Hà Nội trên địa bàn huyện tháng 8-2018.

Bên cạnh đó, UBND huyện Hoài Đức cũng đề nghị thành phố tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cụm công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch, song song với phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ với xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường, hệ thống tiêu thoát nước, các trạm xử lý nước thải tập trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý ô nhiễm kênh T2 huyện Hoài Đức: Tích cực triển khai các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.