Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Hoài Thanh - Linh Nhi| 02/03/2019 07:39

(HNM) - Thương mại điện tử là môi trường kinh doanh hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, thời gian qua, cộng đồng mạng không khỏi bức xúc khi hàng loạt thông tin “rác” quảng cáo bán hàng, thậm chí cả hàng hóa thuộc danh mục cấm vẫn xuất hiện tràn làn trên mạng xã hội.

Lực lượng chức năng thu giữ tang vật trong một vụ rao bán hàng cấm trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Bích Mận


Ông Nguyễn Trọng Bình, Quyền Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường Hà Nội:

Xây dựng kế hoạch quản lý kinh doanh thương mại điện tử

Hoạt động thương mại điện tử không chỉ diễn ra đối với cá nhân mà còn hoạt động dưới hình thức nhóm kín, để cùng nhau chia sẻ thông tin bằng hình ảnh. Việc quản lý những hội nhóm này đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua kiểm tra, năm 2018, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ liên quan đến bán hàng thương mại điện tử, với số tiền xử phạt 521 triệu đồng, trong đó chuyển 1 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định. Qua công tác kiểm tra, phát hiện website ghi đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở lại không thừa nhận website đó do mình thiết lập, quản lý nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa… trang website ngay thời điểm kiểm tra nên chứng minh vi phạm thương mại điện tử không dễ. Trước khó khăn này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ động phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); Phòng An ninh mạng Công an Hà Nội xây dựng kế hoạch quản lý có hiệu quả với các hành vi kinh doanh hàng hóa thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Thanh Phương, phường Quảng An (quận Tây Hồ):
Phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Công nghệ càng phát triển thì các hoạt động thương mại điện tử càng diễn ra sôi động, trong đó có không ít hành vi phạm pháp. Cụ thể, ngoài tiền giả và thú rừng, các nhóm Facebook chuyên tiêu thụ xe máy không giấy tờ, dịch vụ bằng cấp giả, vũ khí... dễ dàng tìm kiếm với hàng nghìn thành viên. Với từ khóa "đồ rừng", người dùng dễ dàng tìm thấy nhiều nhóm Facebook đăng tải hình ảnh các loài động vật quý hiếm bị xẻ thịt, lột da. Nhóm "thú rừng quý hiếm", "hàng rừng độc đáo" là những nhóm kín thường xuyên rao bán những mặt hàng này.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp để đưa ra giải pháp cụ thể, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử.

Anh Nguyễn Huy Thành, chuyên gia công nghệ thông tin (phường Đức Giang, quận Long Biên):
Nâng cao ý thức, cảnh giác

Các trang mạng, website thương mại điện tử vi phạm thường sử dụng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng hàng hiệu giá rẻ (đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép...).

Thậm chí, có trang mạng xã hội còn chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà, đồ chơi kích dục nhập lậu... Với sự tùy tiện và dễ dàng như vậy, hoạt động kinh doanh, tương tác trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho mọi người, mọi lứa tuổi.

Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm của cơ quan chức năng, người sử dụng mạng xã hội cần tự nâng cao ý thức, cảnh giác để bảo vệ chính mình và người thân không bị ảnh hưởng bởi những thông tin độc hại, thiếu cơ sở...

Luật gia Đinh Thị Nguyên, Công ty TNHH Luật quốc tế Hồng Thái (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì):
Tùy mức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Khoản 5, Điều 10 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền tới 50 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa nhập lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.

Luật An ninh mạng cũng quy định, doanh nghiệp ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Facebook không có văn phòng đại diện tại Việt Nam và khi đặt máy chủ thông qua các doanh nghiệp viễn thông lại không chặt chẽ về mặt pháp lý, đây là vướng mắc cần có chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.