Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ để xử lý vi phạm

Tuấn Kiệt| 04/05/2019 07:34

(HNM) - Mặc dù lực lượng chức năng quận Đống Đa thường xuyên ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng này lại tái diễn.

Vỉa hè phố Tôn Thất Tùng thường xuyên bị lấn chiếm.


Khảo sát của phóng viên tại các tuyến phố của quận Đống Đa, nhiều vỉa hè đang bị hàng quán chiếm dụng để kinh doanh. Trong đó, tuyến phố Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, dù là trục đường chính của quận, có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, nhưng nhiều đoạn vỉa hè đã trở thành nơi bày bán hàng hóa, để xe máy. Trên địa bàn quận, đoạn vỉa hè vi phạm nhiều nhất là cổng chợ Ngã Tư Sở với hàng chục sạp hàng lớn nhỏ bán hoa quả, quần áo... Tương tự là phố Tôn Thất Tùng, đoạn trước cổng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Dọc hai bên vỉa hè phố này có nhiều quán ăn chiếm dụng để bán hàng. Các gánh hàng rong, xe đẩy bán hoa quả... cũng trưng dụng vỉa hè trước cổng bệnh viện, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, tình trạng lắp đặt mái che, mái vẩy, biển quảng cáo còn tái phạm nhiều trên phố Phan Phù Tiên, ngõ Hàng Bột...

Về vấn đề này, ông Lê Kế Việt, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, sau nhiều đợt ra quân xử lý, các vi phạm về lấn chiếm lòng đường, hè phố đã giảm; tình trạng “chợ cóc” họp không đúng quy định được giải quyết cơ bản. Ngoài ra, các bục bệ, cầu dẫn, mái che, mái vẩy đã được tháo dỡ, bảo đảm đường thông hè thoáng. Từ đầu năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính gần 8.000 trường hợp. Tuy nhiên, các vi phạm như chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, trông giữ phương tiện không đúng quy định ở một số nơi và ngoài giờ hành chính vẫn diễn ra. Trong đó chủ yếu là các cửa hàng bán bia hơi, ăn uống, karaoke, cà phê…

"Địa bàn quận có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và mật độ dân cư đông. Tuy nhiên, nhiều tuyến phố không có vỉa hè, hạ tầng cơ sở vật chất kém, lại có nhiều tuyến giao thông chính của thành phố; nhiều công trình, dự án đang thi công… vì vậy dễ nảy sinh phức tạp về trật tự an toàn giao thông, đô thị. Trong khi đó, mức phạt vi phạm về trật tự đô thị còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có quy định, tiêu chí cụ thể về mái che, mái vẩy và các văn bản hướng dẫn cụ thể khác. Vì vậy, UBND quận đã đặt trọng tâm giải quyết những vi phạm về trật tự đô thị lên hàng đầu" - Ông Lê Kế Việt nhấn mạnh.

Để tăng cường xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự đô thị, UBND quận Đống Đa đã ứng dụng công nghệ, gửi hình ảnh qua mạng Zalo chung của Ban Chỉ đạo 197 quận và Công an quận; xây dựng 7 cụm liên kết công an các phường để giải quyết trật tự đô thị tại địa bàn giáp ranh những điểm vi phạm lâu năm, khó xử lý. Đây là một trong những nét mới, tạo bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm trên địa bàn quận. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo từ cấp quận đến phường, 21 đồng chí Trưởng Công an các phường đều tham gia mạng Zalo này.

Khi phát hiện vi phạm, các thành viên đăng hình ảnh lên nhóm kèm theo yêu cầu xử lý. Nhờ vậy, nhiều vi phạm đã được chấn chỉnh ngay sau đó vài tiếng. Đến nay đã có 1.700 vi phạm đã được phát hiện và xử lý tại chỗ từ phản ánh trên mạng Zalo của quận và Công an quận. Ban Chỉ đạo 197 quận đã đánh giá cao một số phường như Ô Chợ Dừa, Quốc Tử Giám triển khai quyết liệt việc quản lý trật tự đô thị. Đồng thời phê bình các phường chưa tập trung giải quyết các vi phạm dẫn đến kết quả còn hạn chế như phường Láng Hạ, Kim Liên, Ngã Tư Sở, Văn Miếu.

Ông Lê Kế Việt cho biết, việc xử lý qua Zalo giảm bớt các khâu trung gian, bảo đảm kịp thời, chính xác, giúp quận xử lý vụ việc nhanh chóng. Trong thời gian tới, cùng các biện pháp bảo đảm trật tự đô thị, quận Đống Đa tiếp tục tăng cường xử lý các vi phạm qua Zalo để bảo đảm vỉa hè, lòng đường được thông thoáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ để xử lý vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.