Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia: Điều tiết thị trường bất động sản

Dạ Khánh| 28/10/2021 06:05

(HNM) - Không chỉ định hình, xác định các chỉ tiêu quan trọng trong phát triển nhà ở, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia còn là định hướng quan trọng để nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong giai đoạn mới, rất cần "bàn tay" điều tiết của nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách, đặc biệt là có Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia phù hợp...

Việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua vẫn không đạt mục tiêu đề ra nên chưa đóng góp hiệu quả vào việc điều tiết thị trường bất động sản. Trong ảnh: Chung cư Golden Time thuộc khu nhà ở xã hội Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Quang Thái

Nhiều chỉ tiêu về nhà ở chưa đạt

Thông tin về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho biết, kết quả tích cực nhất là việc thúc đẩy phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường và xây dựng, thực thi chính sách nhà ở cho từng nhóm đối tượng cần hỗ trợ về chỗ ở. Nhà ở được xây dựng đồng bộ, hiện đại với chất lượng ngày càng nâng cao, từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn về kinh tế có khả năng cải thiện chỗ ở, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai chiến lược còn có nhiều khó khăn, vướng mắc khiến nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể, kết thúc năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc chỉ đạt 24,4m2/người (chỉ tiêu đề ra là 25m2/người); việc phát triển nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra với hơn 5,21 triệu mét vuông sàn (chỉ tiêu là 12,5 triệu mét vuông). Hoạt động đầu tư xây dựng nhà cho thuê tại các đô thị lớn cũng rất ít...

Với nhà ở xã hội, mặc dù được ưu đãi về thuế song hầu hết các doanh nghiệp không mặn mà. Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, nguyên nhân là do nhà ở xã hội bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi lãi suất vay vốn cao, giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng, thời gian thu hồi vốn chậm... Ngoài ra, các địa phương chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản nhà ở phát triển lệch pha cung - cầu trong thời gian qua. 

Làm việc với Bộ Xây dựng vào tháng 5-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương, gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý.

Quang cảnh Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 15-10. Ảnh: Quý Anh

Cần hoàn thiện thể chế để huy động nguồn lực

Thực hiện quy định của Luật Nhà ở 2014 và nhiệm vụ do Chính phủ giao, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bùi Xuân Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đã soạn thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040, nhằm tạo lập cơ sở, định hướng hoạt động phát triển nhà toàn quốc và chương trình phát triển nhà tại các địa phương. Dự thảo đặt ra một số mục tiêu cơ bản như: 

Phát triển và cải tạo sửa chữa nhà ở đạt 1,032 tỷ mét vuông, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn trong giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 27m2 sàn/người và đến năm 2030 đạt khoảng 30m2 sàn/người.

Dự thảo chiến lược cũng xác định tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê; đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình, giá cả hợp lý; xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội. “Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo lần 5 và đang tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp, bộ, ngành và địa phương, qua đó xác định những định hướng về phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu toàn dân và các nhóm đối tượng trong chính sách hỗ trợ nhà ở”, ông Bùi Xuân Dũng chia sẻ.

Khẳng định chiến lược phát triển nhà ở quốc gia góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng lành mạnh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 cần đề xuất các giải pháp mạnh mẽ về hoàn thiện thể chế, cũng như huy động nguồn lực để thực hiện. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị, chiến lược cần định hướng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở có mức giá trung bình, cải tạo nhà chung cư cũ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển nhà ở...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc xây dựng các chính sách phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước quan tâm là phải thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh về nhà ở. Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học... dự kiến hoàn thiện dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV-2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia: Điều tiết thị trường bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.