Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tạm dừng xây nhà tái định cư: Nên hay không?

Nhóm phóng viên Ban Bạn đọc| 08/09/2018 06:29

(HNM) - Dư luận rất quan tâm thông tin mới đây, có ý kiến đề xuất tạm dừng xây dựng nhà tái định cư để có những nghiên cứu cụ thể. Báo Hànộimới ghi nhận quan điểm một số luật sư, chuyên gia, đại diện chính quyền địa phương... về vấn đề này.

Nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội còn một số hạng mục không bảo đảm, thiếu hạ tầng xã hội.


Luật sư Phạm Thị Hương, Văn phòng Công ty Luật Thiện Minh Long (quận Nam Từ Liêm):

Xây dựng nhà ở tái định cư là cần thiết

Trước tiên, tôi xin khẳng định, việc xây dựng nhà ở tái định cư cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất là hoàn toàn phù hợp với chính sách và quy định hiện hành. Đối với các quận nội thành Hà Nội, do quỹ đất hạn hẹp nên việc xây dựng nhà ở tái định cư vẫn là phương án khả thi nhất.

Tuy nhiên, một nghịch cảnh đang diễn ra ở Hà Nội đó là nhu cầu tái định cư bằng nhà ở rất cao nhưng lại có không ít nhà tái định chưa có người ở. Nguyên nhân là chất lượng nhà ở tái định cư thấp; một số khu nhà có vị trí xa trung tâm thành phố, xa nơi ở cũ... nên người dân không “mặn mà”.

Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi Hà Nội nên xây dựng các khu tái định cư gần với nơi người dân bị thu hồi đất để giảm thiểu sự xáo trộn cuộc sống của người dân; đồng thời xây dựng khu kinh doanh - dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của họ. Trong mọi trường hợp, việc xây dựng nhà tái định cư phải được giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng theo luật định. Đặc biệt, những công trình sai thiết kế, chất lượng kém phải bị xử lý nghiêm.

Kiến trúc sư Vũ Hoàng Anh, Giám đốc Đầu tư & Phát triển dự án, Tổng công ty MBLAND:
Thay đổi cách làm

Trước thực trạng quỹ đất eo hẹp của Hà Nội như hiện nay thì việc xây dựng chung cư tái định cư là giải pháp tốt. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng nhiều chung cư tái định cư chưa có người đến ở, cần nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại để thay đổi cách làm. Đó là địa điểm xây dựng chưa hợp lý; chất lượng công trình kém; thiếu các dịch vụ và tiện ích cần thiết...

Nhưng đây là những vấn đề có thể giải quyết được, thậm chí còn làm tốt. Mọi lời giải đều xoay quanh các câu hỏi: Xây dựng nhà tái định cư phục vụ ai? Phục vụ như thế nào? Còn nếu cứ đánh đồng nhu cầu của các đối tượng khác nhau, coi tái định cư là việc xây cho các hộ bị thu hồi đất một chỗ ở mà không coi trọng tập quán sinh hoạt, không tính đến sinh kế cho cư dân thì sẽ chẳng có giải pháp nào thành công.

Ông Nguyễn Duy Linh, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân:
Chú trọng đầu tư hạ tầng xã hội

Theo tôi được biết, hiện nay giá mua nhà tái định cư chung cư của Hà Nội đang ở mức 18 triệu đồng/m2. Đây là mức giá tương đối cao so với mặt bằng chung cư thương mại (chưa kể nhà ở xã hội) ở một số quận, huyện. Song, nếu so sánh chất lượng nhà tái định cư và hạ tầng xã hội phục vụ cư dân thì chung cư tái định cư còn thua xa chung cư thương mại.

Đơn cử, trên địa bàn phường Nhân Chính hiện có 19 tòa tái định cư được đưa vào sử dụng từ năm 2004 với hàng nghìn hộ dân nhưng không có chợ dân sinh; hệ thống trường học công lập cũng không có. Chưa kể, cả 19 tòa đều không có tầng hầm nên thiếu chỗ để phương tiện; cư dân 19 tòa sinh hoạt chung trong 2 phòng họp... Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của cư dân. Theo tôi, việc xây dựng chung cư tái định cư vẫn rất cần thiết, nhưng với điều kiện chất lượng nhà phải được nâng cao và hạ tầng xã hội phải được đầu tư đầy đủ.

Ông Cao Đức Đại, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội:
Cần có phương án sát thực tế hơn

Theo tôi, hiện nay Hà Nội chưa thể tạm dừng việc xây nhà ở tái định cư. Nhưng, việc xây dựng, sử dụng, quản lý và vận hành loại hình nhà ở này như thế nào để người dân muốn đến ở mới là bài toán cần tính đến.

Để làm được điều này, cùng với việc chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo trì, sửa chữa kịp thời hạng mục hư hỏng, xuống cấp, chúng ta cần có nhiều phương án sát thực tế hơn. Ví dụ, nếu quá 3 tháng hoặc 6 tháng người được mua nhà tái định cư không đến nhận căn hộ thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định thu hồi, trả lại cho người dân bằng tiền mặt... Điều này sẽ giúp những người bị thu hồi đất đang khó khăn về nơi ở có được chỗ ở, tránh lãng phí kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tạm dừng xây nhà tái định cư: Nên hay không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.