Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý thiếu - thừa nhà ở xã hội

Dạ Khánh| 08/01/2019 06:41

(HNM) - Nguồn cung nhà ở xã hội được đánh giá rất thiếu khi mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Vậy nhưng, trên thực tế có một số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành lại đang lâm vào tình trạng ế ẩm dù mở bán đã lâu.

Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tỷ lệ lấp đầy căn hộ tại Dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden chưa đến 50%. Ảnh: Yên Khánh


Đìu hiu như... nhà ở xã hội

Dọc theo Đại lộ Thăng Long, vượt qua quãng đường hơn 20km từ trung tâm thành phố, phóng viên có mặt tại Khu đô thị Sunny Garden City (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Khu đô thị có tổng diện tích 24,4ha do Công ty cổ phần Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch được phê duyệt, ngoài 323 căn nhà vườn và biệt thự, 72 căn nhà phố thương mại, khu đô thị này còn dành 10.528m2 để xây dựng 2 tòa chung cư cao 9 tầng, diện tích từ 48m2 đến 66m2/căn với tên gọi Bamboo Garden dành cho người có thu nhập thấp.

Mặc dù chủ đầu tư cam kết cư dân tại Bamboo Garden được hưởng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các tiện ích của Khu đô thị cao cấp Sunny Garden bao gồm: Nhà trẻ, trường học, trung tâm thương mại, trung tâm thể thao và giải trí... Tuy nhiên, giống như tình trạng đìu hiu của khu biệt thự, dự án nhà ở xã hội cũng khó hút người mua. Trải qua gần 4 năm với 15 lần đăng tin rao bán, trong tổng số 432 căn, đến nay dự án này mới bán được 188 căn (tính từ đợt 1 đến đợt 14).

Ngoài dự án trên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, một số dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn thành phố cũng rơi vào tình trạng bán chậm. Mỗi đợt rao bán, trung bình chỉ có khoảng 20-30 trường hợp đăng ký. Điển hình như Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư Đông Hội (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Với 1 tòa nhà 30 tầng, trải qua 4 lần rao, đến nay mới bán được 132/504 căn hộ. Tương tự, tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư với 4 khối nhà, 35 tầng nổi, 1.496 căn hộ diện tích từ 44m2 đến 70m2, qua 8 đợt rao bán, chủ đầu tư mới bán được 617 căn....

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tại các đô thị có lực lượng lao động trẻ đông, dân nhập cư lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng nguồn cung đang rất thiếu. Mặc dù chiếm 70-80% nhu cầu nhà ở của người dân, tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội hiện mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường. Tại phân khúc này, thị trường ghi nhận đã có những dự án rất đắt hàng, khách hàng phải bốc thăm chờ may rủi để được một suất mua như dự án: Chung cư Đại Kim (quận Hoàng Mai), Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), chung cư 622 Minh Khai (quận Hoàng Mai) và một vài dự án khác khu vực nội thành. Song bên cạnh đó có không ít dự án quá xa trung tâm, đi lại khó khăn lại rơi vào tình cảnh ế ẩm như các dự án nhà ở xã hội: Kiến Hưng, Phú Lãm (quận Hà Đông), Đông Hội (Đông Anh), Bamboo Garden (Quốc Oai), AZ Thăng Long (Hoài Đức)...

Đâu là nguyên nhân?

Khu nhà ở xã hội thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) đáp ứng hiệu quả cho người có thu nhập thấp. Ảnh: Linh Ngọc


Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân chính khiến nhà ở giá rẻ chưa được khách hàng ưa chuộng là do các dự án loại này có vị trí rất xa khu trung tâm, đi lại mất nhiều thời gian. Trong khi đó, dịch vụ tiện ích như khu vui chơi giải trí, thương mại… lại đang rất thiếu.
Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện có 205 dự án nhà ở xã hội chậm hoặc dừng triển khai do không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Sau khi gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc triển khai cho vay nhà ở xã hội được thay thế bằng quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ đã bố trí kế hoạch vốn đến năm 2020 là 2.316 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, gói vay ưu đãi chủ yếu là cho người dân vay xây nhà mới và sửa chữa. Số vay mua nhà mới tại các dự án cũng có nhưng không nhiều, vì tại một số dự án chủ đầu tư đã thế chấp vay vốn ở các ngân hàng khác. Do đó, không thể giải ngân cho đối tượng vay vốn tại các dự án này.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ của 205 dự án đang thiếu vốn. Đồng thời, kiến nghị cấp hơn 3.400 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, để tăng sức hút của các dự án nhà ở giá rẻ, điều đầu tiên là cần phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị tại các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các dự án nhà ở xa trung tâm.

Về phía Hà Nội, ông Bùi Tiến Thành, Phó Trưởng phòng phụ trách Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thành phố đang định hướng triển khai các dự án nhà ở xã hội tập trung (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) nhằm bổ sung nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời phát triển nhà ở đồng bộ hạ tầng, dịch vụ, tiện ích, đem đến sự thuận tiện trong sinh hoạt, giải trí của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý thiếu - thừa nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.