Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường nhà ở: Điều chỉnh cung sát cầu

Nguyễn Lê| 04/11/2019 11:32

(HNM) - Quy mô thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đang sụt giảm. Doanh nghiệp chú trọng phân khúc cao cấp, trong khi người thực sự có nhu cầu cần sản phẩm phù hợp với thu nhập. Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đang điều tiết nguồn cung phù hợp với nhu cầu của người mua nhà.

Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Địa ốc Xanh cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản dù có năng lực cũng gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư dự án. Trong đó, giao đất và đóng tiền sử dụng đất là khâu khó nhất. Không ít doanh nghiệp chạy theo phân khúc cao cấp để tăng giá bán, trong khi nhu cầu của đa số người tiêu dùng lại cần sản phẩm bình dân, vừa túi tiền.

Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển bất động sản phù hợp với nhu cầu mua để ở.

Chị Bùi Thị Kim Tuyến (nhân viên kinh doanh bất động sản tại một công ty ở quận 2) cho biết, thị trường bất động sản phân khúc cao cấp rất “nhạy cảm” với thông tin thị trường. Nếu có thông tin tiêu cực, sức mua sẽ giảm rất nhanh bởi phần lớn người mua để đầu tư. 

Trong 3 năm qua, quy mô thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm. Năm 2017, thành phố chấp thuận đầu tư 83 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 11.616.703m2, số lượng nhà ở 62.610 căn (54.088 căn hộ chung cư và 8.522 nhà ở thấp tầng). Năm 2018, thành phố chấp thuận đầu tư 59 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 2.546.306m2, số lượng nhà ở 39.121 căn (37.442 căn hộ chung cư và 1.679 nhà ở thấp tầng). 9 tháng năm 2019, thành phố chấp thuận đầu tư 12 dự án với tổng diện tích đất khoảng 495.032m2, số lượng nhà ở 12.360 căn (11.830 căn hộ chung cư và 530 nhà ở thấp tầng).

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản thành phố đang gặp hai vấn đề không mong muốn, đó là: Nguồn cung giảm, giá tăng; phân khúc nhà ở cao cấp vượt quá khả năng chi tiêu của số đông người mua, dẫn đến lệch cung - cầu. “Tại thành phố Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm tỷ trọng lên đến khoảng 70-80% tổng số nhà ở đưa ra thị trường, trong khi thị trường rất thiếu vắng nhà ở bình dân”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.

Đây cũng chính là nút thắt khó gỡ nhất của thị trường bất động sản thành phố hiện nay. Vì thế, cần điều tiết lại phân khúc nhà ở, chú trọng và ưu tiên đầu tư các dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu mua để ở của người dân. 

Cụ thể, HoREA đề xuất mô hình phát triển các dự án nhà ở nằm trong các khu đô thị vệ tinh như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (khoảng 2.600ha với hạt nhân là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng gần 500ha); Khu đô thị mới Him Lam (58ha); Khu dân cư Nam Long (31ha); Khu đô thị cảng Hiệp Phước (khoảng 3.600ha); Khu đô thị Tây Bắc (khoảng 6.000ha)… Ngoài ra, thành phố có thể phát triển mô hình các dự án khu dân cư quy mô lớn (mỗi dự án có diện tích trên dưới 50ha) tại các quận ven và vùng ngoại thành, tạo điều kiện để các dự án có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. 

Về đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã giao 6 sở có liên quan rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh trên thực tế trong công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án nhà ở.

“Thành phố yêu cầu các vướng mắc phải được kiến nghị xử lý kịp thời với phương châm nhanh và tốt hơn. Trường hợp đã có hướng xử lý ở những khâu ách tắc cụ thể, báo cáo trình UBND thành phố quyết định, kể cả phương án báo cáo xin ý kiến các cơ quan trung ương để tháo gỡ”, ông Võ Văn Hoan cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường nhà ở: Điều chỉnh cung sát cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.