Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ rút khỏi TPP: Cái kết được báo trước

Quang Huy| 25/01/2017 06:51

(HNM) - Giữ đúng cam kết với cử tri trong cuộc tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây không phải là một động thái bất ngờ khi tỷ phú New York liên tục bày tỏ sự phản đối đối với Hiệp định và cho rằng đây là một “thảm họa tiềm ẩn” với nước Mỹ. Tân chủ nhân của Nhà Trắng tự tin đặt cược rằng, quyết tâm đàm phán lại về các hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ buộc các nước khác phải chấp nhận các điều khoản mà những người tiền nhiệm của ông không đạt được.

Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh chính thức rút nước này khỏi TPP.


Là hiệp định thương mại lớn nhất trong 20 năm, TPP được đề xuất và thảo luận suốt 10 năm qua và chính thức đạt được sự đồng thuận của 12 thành viên, gồm: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh quyết định trên của Tổng thống D.Trump, TPP còn vấp phải sự phản đối từ nhiều nhân vật có ảnh hưởng khác ở Mỹ. Trên thực tế, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, nhiều ứng viên đã chỉ trích Hiệp định này. Cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hoan nghênh quyết định của tân Tổng thống D.Trump. Ngay cả cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chiến dịch của mình cũng đã phản đối mạnh mẽ TPP.

Theo quan điểm của những người phản đối, Hiệp định chỉ giúp cho những tập đoàn quốc gia mà không chú trọng đến người lao động tại Mỹ trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại nước này vẫn cao. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống D.Trump đã thẳng thừng tuyên bố việc ủng hộ các hiệp định thương mại khiến công ăn việc làm ở Mỹ bị đẩy ra nước ngoài. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng cho rằng: "Bây giờ là thời điểm phát triển một chính sách thương mại mới để hỗ trợ các gia đình lao động chứ không chỉ là các tập đoàn đa quốc gia”. Đó là lý do những thành phần bảo thủ đã tìm cách thúc giục Quốc hội cũng như cử tri Mỹ chống lại TPP và thông tin về tầm quan trọng của Hiệp định đã không được cung cấp đầy đủ.

Thế nhưng, đối với Mỹ, việc từ bỏ TPP sẽ để lại những hậu quả có thể thấy trước được. Trước hết đó chính là tương lai của tự do thương mại trong điều kiện chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lan rộng tại các quốc gia. Điều này sẽ khiến các hiệp định thương mại đa phương đối mặt với nhiều rủi ro và từ đó ảnh hưởng ngược lại các quốc gia trên thế giới khi các nước sẽ gia tăng các khoản thuế để bảo hộ cho nền kinh tế của mình.

Theo Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, đây là một sai lầm nghiêm trọng sẽ tước đoạt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu của xứ Cờ hoa. Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất đi cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng mới. Ví dụ, các tập đoàn sản xuất xe hơi của Mỹ luôn mong muốn được hưởng mức giảm đặc biệt về thuế khi bán xe sang thị trường Châu Á. Còn những tập đoàn công nghệ, từ Google cho đến những nhà cung cấp điện thoại di động, đã vận động để được giảm thiểu các quy định và tìm cách tiếp cận vào những quốc gia trong TPP.

Không chỉ vậy, có những ý kiến cho rằng quyết định của Tổng thống D.Trump cũng sẽ phát đi một tín hiệu xấu về sự thoái lui của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này được đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng chính sách “Một vành đai, một con đường” cũng như các hiệp định thương mại riêng như Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 16 quốc gia bao gồm cả Nhật Bản và Australia. Nếu RCEP thành công, Trung Quốc sẽ ở vị thế mạnh mẽ hơn để dẫn dắt một vũ đài thương mại tự do trong tương lai.

Dẫu vậy, việc lựa chọn từ bỏ TPP là một cái kết đã được đoán trước ở Mỹ, cho dù điều này đã mang đến những hụt hẫng cho các đối tác trong TPP. Tất nhiên, vào thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định được tương lai của văn bản được xem là hiệp định của thế kỷ XXI sẽ ra sao. Nhưng rõ ràng, với sự lựa chọn của Washington, không chỉ TPP mà triển vọng của tự do thương mại toàn cầu đã rẽ sang một trang mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ rút khỏi TPP: Cái kết được báo trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.