Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực đáng ghi nhận

Minh Hiếu| 12/12/2018 06:11

(HNM) - Bất chấp sự phản đối của một số quốc gia, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn - văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý khủng hoảng di cư đã được 164 thành viên Liên hợp quốc thông qua tại TP Marrakech (Morocco) sau 18 tháng tranh luận và đàm phán.


Bản hiệp ước lịch sử này đề ra 23 mục tiêu dựa trên một loạt nguyên tắc như nhân quyền, quyền trẻ em, chủ quyền quốc gia…, hướng tới di cư an toàn, trật tự và có kiểm soát, quản lý hiệu quả dòng người di cư và mở ra cơ hội nhập cư hợp pháp, đồng thời cam kết hỗ trợ người nhập cư và quốc gia tiếp nhận bằng các biện pháp phù hợp. Đặc biệt, văn kiện này yêu cầu các nước coi việc bắt giữ người nhập cư là biện pháp cuối cùng, chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết.

Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn là nỗ lực đáng ghi nhận của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu nhân đạo.


Văn kiện này ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, vượt quá khả năng chống đỡ của Liên minh châu Âu (EU). Cuối tháng 11 vừa qua, Mỹ cũng buộc phải đóng cửa khẩu phía Tây Nam với Mexico trong vài giờ và bắn đạn hơi cay vào dòng người di cư đang tìm cách vượt qua hàng rào thép gai để đặt chân vào nước này. Theo thống kê của Liên hợp quốc, số người di cư trên toàn thế giới hiện đã tăng tới 258 triệu người, chiếm 3,4% dân số toàn cầu. Cùng với đó là khoảng 10 triệu người trong tình trạng không có quốc tịch, không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tự do đi lại và việc làm.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn là lộ trình để ngăn chặn sự hỗn loạn và nỗi thống khổ, là nền tảng cho hợp tác quốc tế được thực thi dựa trên thiện chí của các quốc gia ủng hộ chứ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Đây là lời khẳng định nhằm bác bỏ một số chỉ trích trước đó cho rằng, văn kiện này sẽ cho phép Liên hợp quốc áp đặt các chính sách về người tị nạn với các nước thành viên. Dù không ràng buộc về mặt pháp lý, đây được coi là nền tảng chính trị để các quốc gia cùng hợp tác, phối hợp hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu chung; đồng thời, đưa ra những chỉ dẫn hữu ích cho các quốc gia trước mặt trái của làn sóng di cư như trấn áp các hoạt động di cư trái phép và nguy hiểm xuyên biên giới…

Việc Liên hợp quốc thông qua hiệp ước này là một nỗ lực đáng ghi nhận bởi ngay trước thềm hội nghị tại Marrakech, một số nước Đông Âu và Australia đã tuyên bố rút khỏi văn kiện này. Mỹ là quốc gia có số lượng người nhập cư lớn nhất thế giới cũng từ chối tham gia ngay từ quá trình soạn thảo với lý do văn kiện gồm những điều khoản đi ngược lại chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Washington cho rằng, hiệp ước là nỗ lực của tổ chức quốc tế quy mô nhất hành tinh trong việc thúc đẩy quản trị toàn cầu, song cái giá phải trả lại chính là chủ quyền quốc gia. Những người phản đối còn lo ngại dòng người di cư sẽ làm phai mờ văn hóa đặc trưng của dân tộc, mang tới đói nghèo, tội phạm và ẩn chứa mầm mống của chủ nghĩa cực đoan; trong khi các công dân của nước tiếp nhận phải gánh chịu áp lực về thuế, giảm tiền lương hay cạnh tranh gay gắt trong công việc và phải san sẻ những đãi ngộ về phúc lợi xã hội.

Vào ngày 19-12 tới, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về việc thực thi Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn. Theo đánh giá của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, vẫn còn nhiều lỗ hổng và thiếu sót trong bản hiệp ước này như khả năng tiếp cận của người di cư với các hỗ trợ nhân đạo và dịch vụ cơ bản, quyền của lao động nhập cư hay tính ràng buộc đối với các nước tham gia. Song, đây là một thành công ngoại giao đáng hoan nghênh và ghi nhận của Liên hợp quốc trong việc đương đầu và nỗ lực giải quyết một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nổi cộm hiện nay.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ quan điểm và chính sách của Việt Nam khuyến khích di cư hợp pháp, có trật tự, tăng cường hợp tác quốc tế để loại bỏ nguồn gốc và ngăn chặn di cư trái phép.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đáng ghi nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.