Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất ngờ đã được dự đoán!

Quỳnh Dương| 22/12/2018 07:11

(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phải đón Giáng sinh và năm mới 2019 trong những toan tính về bộ máy nhân sự khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - nhân vật từng được ông chủ Nhà Trắng thân mật gọi là “vị tướng của tôi” - bất ngờ đệ đơn từ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J.Mattis đã quyết định từ chức.


Sự ra đi của Bộ trưởng J.Mattis đã được dự đoán ngay sau khi Tổng thống D.Trump thông báo rút quân khỏi Syria, bất chấp phản đối từ các nước đồng minh cũng như các quan chức quân đội Mỹ. Trong lá thư từ chức, ông J.Mattis cho biết quyết định rút lui để Tổng thống D.Trump có thể tìm một bộ trưởng quốc phòng với quan điểm gần gũi hơn. Trước đó, Bộ trưởng J.Mattis từng nhiều lần nhấn mạnh sứ mệnh chống khủng bố ở Syria chưa hoàn thành và Mỹ nên giữ sự hiện diện quân sự tối thiểu ở quốc gia này. "Niềm tin cốt lõi mà tôi luôn nắm giữ là sức mạnh quốc gia. Chúng ta không thể bảo vệ lợi ích của mình hoặc đóng vai trò đó một cách hiệu quả mà không duy trì quan hệ đồng minh mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng với họ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ viết.

Thực tế, quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Lầu Năm Góc đã có những dấu hiệu rạn nứt trong thời gian gần đây. Ông J.Mattis được cho là "không hài lòng" với lựa chọn của Tổng thống D.Trump trong việc tìm người kế nhiệm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân vào mùa thu năm tới. Tổng thống D.Trump cũng bỏ qua những quan ngại của ông J.Mattis về vấn đề triển khai quân đội đến biên giới với Mexico cách đây 2 tháng mà không có mục tiêu rõ ràng. Khác biệt trong quan điểm xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên cũng là nguyên nhân nới rộng khoảng cách giữa 2 nhà lãnh đạo. Cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc David Lapan cho biết, Tổng thống D.Trump đã nhiều lần khiến ông J.Mattis và Lầu Năm Góc bất ngờ với các quyết định của mình. Trong đó, quyết định rút quân khỏi Syria là sự bất ngờ ở cấp độ hoàn toàn khác vì điều này liên quan đến quá trình điều chuyển quân đội Mỹ ở vùng chiến sự.

Kể từ khi Tổng thống D.Trump nhậm chức vào tháng 1-2017, đến nay đã có 29 nhân sự cấp cao rời bỏ chính quyền. Theo Viện Nghiên cứu Brookings, chính quyền của Tổng thống D.Trump có tỷ lệ quan chức cấp cao ra đi ở mức cao nhất so với 5 Tổng thống tiền nhiệm. Những lần "trảm tướng" chóng vánh của người đứng đầu nước Mỹ hay những lá đơn xin từ chức không báo trước khiến nhiều người lo ngại về sự ổn định trong bộ máy nội các và làm gia tăng những hoài nghi về chính sách mà ông D.Trump đang theo đuổi. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Florida Marco Rubio đã không ngần ngại nói rằng "Việc mất đi Bộ trưởng J.Mattis cho thấy nước Mỹ đang đi đến một loạt những sai lầm trong chính sách, gây nguy hiểm cho quốc gia, phá hoại mối quan hệ đồng minh và trao sức mạnh cho đối thủ".

Theo các nhà phân tích, không những phải tìm người kế nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thống D.Trump cũng phải chuẩn bị nhân sự cho chiếc ghế Bộ trưởng Nội vụ vì ông Ryan Zinke sẽ từ chức trong ít ngày nữa do bê bối liên quan tới các cuộc điều tra về đạo đức. Trong khi đó, vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa hiện do bà Kirstjen Nielsen nắm giữ cũng không chắc chắn vì những xung khắc gần đây với Tổng thống D.Trump trong việc thúc đẩy siết chặt biên giới với Mexico. Một vài cái tên khác là Bộ trưởng Lao động Alexander Acosta, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos và Bộ trưởng Phát triển nhà và đô thị Ben Carson được cho là đang phải đối mặt với khả năng phải rời Nhà Trắng. Mặc dù họ không bất đồng quan điểm với Tổng thống D.Trump nhưng lại chịu áp lực rất lớn từ dư luận. Rõ ràng, bài toán nhân sự để có thể tìm ra những người đồng hành tâm đầu ý hợp trong nửa cuối nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng thật không dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ngờ đã được dự đoán!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.