Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng đá trẻ Việt Nam: Hướng đến phát triển bền vững

Ngân Hà| 12/12/2021 06:22

(HNM) - Các giải bóng đá trẻ quốc gia luôn là nền tảng, tạo nên sự phát triển bền vững cho bóng đá chuyên nghiệp. Mới đây, Giải bóng đá U9 toàn quốc năm 2021 lần đầu tiên được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia cho thấy những nỗ lực của ngành Thể dục - Thể thao, tạo thêm sân chơi cho bóng đá trẻ, hướng đến mục tiêu xây dựng nền bóng đá phát triển theo hướng bền vững.

Lễ công bố giải bóng đá U9 toàn quốc năm 2021.

Tạo sân chơi chuyên nghiệp

Trong hệ thống các giải bóng đá trẻ chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam hiện có các giải: Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc (U11), Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn quốc (U13), Giải bóng đá vô địch U15, U17, U19 và U21. Từ những giải đấu này, nhiều tài năng bóng đá trẻ đã được phát hiện và có những cống hiến cho nền bóng đá nước nhà, như các cầu thủ: Duy Mạnh, Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu, Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Huy… Gần đây, Giải bóng đá U9 toàn quốc năm 2021, giải đấu dành cho thế hệ cầu thủ nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam tiếp tục được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia, tạo thêm sân chơi cho các cầu thủ trẻ.

Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi đồng Nguyễn Phan Khuê, Trưởng ban Tổ chức Giải bóng đá U9 toàn quốc năm 2021 cho biết, đây là lần đầu tiên có giải bóng đá chuyên nghiệp dành cho lứa tuổi U9, được tổ chức với quy mô toàn quốc. Ban Tổ chức đã mời 16 đội bóng U9 đến từ các tỉnh, thành phố, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trên toàn quốc tham gia tranh tài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải đã không tiến hành được vào dịp hè như dự kiến, nhưng các đội vẫn duy trì tập luyện, sẵn sàng tham gia thi đấu khi giải đấu trở lại. “Giải đấu là sân chơi, ươm mầm tài năng, phát triển nguồn cầu thủ chất lượng cao cho tương lai bóng đá Việt Nam”, ông Nguyễn Phan Khuê chia sẻ.

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội, Trưởng bộ môn Bóng đá Hà Nội Đỗ Văn Nhật, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng nằm trong định hướng hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá trẻ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, tạo thêm sân chơi cho các cầu thủ nhí, đồng thời giúp các nhà tuyển trạch tìm kiếm tài năng cho bóng đá nước nhà. “Hiện tại, các giải bóng đá cho lứa tuổi trẻ rất ít, mỗi lứa tuổi mới có 1 giải đấu chính thức. Nếu có thêm những giải đấu được tổ chức hằng năm, các cầu thủ trẻ sẽ có cơ hội thi đấu, cọ xát nhiều hơn, trình độ chuyên môn được nâng cao, tạo nguồn vận động viên tài năng cho đội tuyển bóng đá quốc gia”, ông Đỗ Văn Nhật cho hay.

Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An Nguyễn Đình Nghĩa, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An có đầy đủ lớp đào tạo năng khiếu các cầu thủ từ U9 đến U11, nên việc có thêm một giải đấu được tổ chức thường niên, sẽ tạo sự hứng khởi trong tập luyện của các cầu thủ nhí.

Nhiều giải pháp để phát triển đường dài

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Nguyễn Thanh Hà cho biết, theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp bắt buộc phải có một đội bóng lứa U10. Vì thế, việc đưa giải bóng đá chuyên nghiệp dành cho lứa tuổi U9 vào hệ thống thi đấu quốc gia của bóng đá Việt Nam chính là cơ sở để phát triển bóng đá trẻ, bóng đá chuyên nghiệp.

Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, để có một giải đấu có chất lượng chuyên môn cao, không xảy ra những tiêu cực, mang hình ảnh xấu xí, phi thể thao vào một giải bóng đá chuyên nghiệp, các nhà tổ chức cần phải có những giải pháp đường dài để bóng đá trẻ đi đúng hướng.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An Nguyễn Đình Nghĩa, không chỉ đào tạo về chuyên môn, trung tâm còn đào tạo văn hóa, đạo đức cho các cầu thủ trẻ để phát triển đồng bộ theo hướng chuyên nghiệp. “Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có doanh nghiệp đồng hành, tài trợ, giúp bóng đá trẻ Nghệ An yên tâm phát triển”, ông Nguyễn Đình Nghĩa thông tin.

Để bóng đá trẻ phát triển đường dài, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn cho biết, từ nhiều năm nay, các giải bóng đá trẻ như U13, U15, U17 đều nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp giúp các cầu thủ nhí có được sân chơi bổ ích, thêm điều kiện thi đấu. Qua đó cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các nhà tổ chức, cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tổ chức nhiều giải đấu hơn nữa. “Thời gian tới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ tăng cường tổ chức thi đấu cọ xát cho các đội bóng trẻ từ U9 đến U21; chú trọng công tác vận động các nhà tài trợ tham gia đầu tư, ủng hộ bóng đá trẻ Việt Nam. Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, tạo nhiều sân chơi cho bóng đá trẻ...”, ông Trần Quốc Tuấn cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng đá trẻ Việt Nam: Hướng đến phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.