Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ U22 SEA Games đến U23 châu Á: Trở về nơi tôi sinh ra từ đây…

Anh Đức| 13/12/2019 12:44

(HNMO) - Vô địch SEA Games, U22 Việt Nam gần như không nghỉ. Ông Park ngay lập tức “biến hình” đội bóng để dự giải U23 châu Á, giải đấu đã định danh và làm sống lại một Park Hang-seo tưởng như đã chìm vào quên lãng.

Dấu ấn đáng kể đầu tiên của HLV Park Hang-seo là trận thắng U23 Thái Lan tại cúp giao hữu M150. Nhưng ngay tại thời điểm đó, năng lực của ông Park vẫn bị nghi ngờ. Tất cả những gì người hâm mộ Việt Nam biết về ông chỉ là chức danh trợ lý cho Guus Hiddink tại World Cup 2002, còn dấu ấn tự thân thì quả là mờ mịt.

Nhiều chuyên gia ngạc nhiên khi thấy ông Park sử dụng lại đội hình có 3 trung vệ, thứ chiến thuật bị coi là lạc hậu ngay từ thời HLV Alfred Riedl. Họ gọi ông bằng cái biệt danh “ngài ngủ gật” và chờ xem người đàn ông Hàn Quốc này sẽ trụ lại được bao lâu.

Nhưng Thường Châu đã làm thay đổi tất cả. Với một đội quân biết mình biết người, chơi thứ bóng đá thực dụng đến khổ hạnh, thầy Park đưa U23 Việt Nam vào đến trận chung kết. Chúng ta bỏ lại sau lưng toàn những cường quốc bóng đá khu vực, như Australia, Qatar, Iraq… Dù không thể lên ngôi cao nhất nhưng hình ảnh cầu vồng Quang Hải, lá cờ đỏ sao vàng giữa mênh mông tuyết trắng mà Duy Mạnh cắm lên, hay những bàn tay dọn tuyết cảm động rơi nước mắt chắc chắn đã khắc ghi vào trang sử vàng bóng đá Việt Nam.

U23 châu Á làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh một nền bóng đá và nó cũng sinh ra một Park Hang-seo khác. Từ sau SEA Games 2017, tuyển Việt Nam vụt sáng khiến tất cả ngỡ ngàng. Top 4 ASIAD, vào tứ kết Asian Cup, vô địch AFF Cup và mới đây nhất, hoàn tất giấc mộng SEA Games. Cái tên Việt Nam đi vào lòng châu Á như một bất ngờ sống động nhất, còn Park Hang-seo, không nghi ngờ gì nữa, ông là HLV "lừng lẫy" nhất 2 năm qua.

Không hề cố ý, nhưng nơi nào ông Park đi qua, nơi đó có những HLV tầm cỡ rơi rụng. Sau những thất bại trước Việt Nam, danh sách các thuyền trưởng mất việc ngày một dài ra, trong đó danh tiếng nhất phải kể đến cựu HLV đội tuyển Anh Sven Goran Eriksson (Philippines), Á quân World Cup Bert van Marwijk (UAE) hay chính “sư phụ” Guus Hiddink (Trung Quốc). Ngay cả đối trọng lớn của ông Park ở Đông Nam Á - Akira Nishino từng đưa Nhật Bản vào World Cup - cũng đang bị sức ép cực lớn tại Thái Lan, vì bị U22 Indonesia và Việt Nam loại khỏi SEA Games 30.

Sự nghiệp của HLV Park Hang-seo đang ở những cung bậc hào hùng nhất và tiền đồ của bóng đá Việt Nam cũng vậy. Tiếp nối những thành công đó, ông Park chuẩn bị rất kỹ cho cuộc viễn chinh tiếp theo của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á, sẽ diễn ra vào tháng 1-2020. Giải đấu này không chỉ mang trọng trách bảo vệ thành tích Á quân châu lục mà còn ảnh hưởng đến cả suất dự Olympic Tokyo 2020 (dành cho 3 đội xuất sắc nhất, có thể là 4 nếu chủ nhà Nhật Bản có mặt ở Top 3). 

Chúng ta còn quỹ thời gian gần một tháng để bước vào trận đấu đầu tiên, nhưng ông chỉ cho cả đội nghỉ vẻn vẹn 2 ngày sau khi lên đỉnh SEA Games. Thậm chí trước khi dự tiệc chiêu đãi, báo công của Thủ tướng, ông đã lên xong danh sách đi tập huấn Hàn Quốc đá giải U23 châu Á.

Đấy là một bản danh sách về cơ bản vẫn là những con người vừa vô địch SEA Games, chỉ gọi lại Đình Trọng, tăng cường thêm hai chân sút Mạnh Dũng, Danh Trung và một vài cầu thủ trẻ khác ở hàng hậu vệ, tiền vệ. Vấn đề của ông Park là tìm ra người thay thế các vị trí quan trọng bị bỏ lại: Văn Hậu, Hùng Dũng và Trọng Hoàng. 

2 năm đã vụt qua sau kỳ tích Thường Châu tuyết trắng, bóng đá Việt cũng trưởng thành thật vững vàng. Ông Park mang tham vọng xây dựng một lối đá không chỉ hiệu quả mà còn bài bản, đẹp mắt và cống hiến. Những bước khó khăn ban đầu đã qua, giờ là lúc ông có đủ con người và vị thế để theo đuổi một giấc mơ lớn hơn - giấc mơ World Cup. 

Chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở mục tiêu World Cup 2022. Muốn đi xa hơn nữa, cần có những nền móng xây lên từ những lứa trẻ như U23 hiện tại. Ông Park tính đường dài, cho ông vài năm tới và cho cả những người kế nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ U22 SEA Games đến U23 châu Á: Trở về nơi tôi sinh ra từ đây…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.