Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp, phân quyền trong bộ máy hành chính: Sớm tháo gỡ, nâng hiệu quả hoạt động

Phong Thu| 15/06/2019 07:53

(HNM) - Việc phân định thẩm quyền, phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Còn vướng mắc

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận chính thức về phân cấp, phân quyền qua Khoản 2, Điều 112, nhưng mới là nguyên tắc chung và rất cần các quy định khác để cụ thể hơn tinh thần phân cấp. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, phân quyền đã được đề cập nhưng vẫn dừng ở những nguyên tắc chung chung.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có phân biệt chương quy định về chính quyền địa phương thành thị và vùng nông thôn nhưng đi vào cụ thể 7 nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh (Điều 17) và chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 37) cơ bản giống nhau, không có gì thay đổi.

Luật cũng thể hiện rất nhiều quy định vừa mang tính tự quản, vừa mang tính trực thuộc, tức là vừa tự quản, vừa không tự quản. Các quy định mang tính tự quản luôn phải đi kèm theo tính trực thuộc, gây vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đạo cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã phân định thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp. Tuy nhiên, trong các luật chuyên ngành khi quy định thẩm quyền của UBND và chủ tịch UBND lại không tương thích với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Hiện nay, quy định của Luật Đất đai không cho phép UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện giải quyết đối với hồ sơ giá đất phục vụ công tác bồi thường nên quá trình thực hiện mất nhiều thời gian, nhất là trong bối cảnh hồ sơ phê duyệt tại UBND tỉnh luôn trong tình trạng quá tải”.

Tại Hà Nội, chính quyền cấp cơ sở cũng đang gặp vướng mắc trong phân định thẩm quyền, là một trong các lý do làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Lê Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) nêu thực tế có những việc chủ tịch UBND phải đưa ra tập thể để bàn và bàn rồi nhưng vẫn phải xin ý kiến cấp trên rồi mới quyết. Điều này vô tình làm cho tiến độ tháo gỡ, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn bị chậm lại.

Ông Chu Tuấn Anh, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) khẳng định: “Tổ chức hành chính các cấp như hiện nay có sự hạn chế sáng tạo, phát triển. Phân cấp ít thì sự sáng tạo sẽ bị hạn chế nhiều. Cấp phường vốn chỉ thực hiện theo chỉ tiêu phân bổ của quận, nếu như có sự phân cấp mạnh may ra mới có sáng tạo, sáng kiến riêng”.

Cần phân cấp mạnh mẽ


Tại hội thảo khoa học “Phân định thẩm quyền giữa cấp chính quyền địa phương của Việt Nam hiện nay” được tổ chức trong tháng 5-2019, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định, có thực tế là chúng ta muốn phân cấp mạnh mẽ cho địa phương nhưng chưa chú ý tới khả năng, năng lực và điều kiện của các địa phương khi được phân cấp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), để phân cấp cho chính quyền địa phương tốt hơn thì cần phân định rõ các đơn vị hành chính tự nhiên và nhân tạo, từ đó có cơ cấu tổ chức cấp chính quyền phù hợp. Và khi đã xác định các địa phương có thể thực thi các quyền tự chủ, cần quy định rõ các thẩm quyền của địa phương đó, không “cào bằng” như hiện nay.

Trong kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) đề xuất việc sửa đổi tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, quy định rõ việc ủy quyền, phân quyền, phân cấp, điều chỉnh chức năng chuyên môn, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Theo đại biểu, Chính phủ quản lý nhà nước theo nguyên tắc phải vừa đồng bộ, vừa phù hợp với từng loại đơn vị hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở địa phương trong phạm vi được ủy quyền, phân quyền và phân cấp.

Từ thực tế triển khai nhiệm vụ, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) Vũ Mai Khanh đề xuất, khi giao thêm quyền hạn cho UBND phường thì cần phải tăng người cho UBND phường và nên trao quyền cho chủ tịch UBND phường trong việc chủ động tuyển chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức giúp việc. Như vậy có thể thấy, việc sớm sửa những bất cập liên quan, chủ động phân cấp, phân quyền cho cơ sở mạnh mẽ hơn đi liền với đề cao trách nhiệm người đứng đầu là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, phân quyền trong bộ máy hành chính: Sớm tháo gỡ, nâng hiệu quả hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.