Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm triển khai Trục liên thông văn bản giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước với doanh nghiệp

Thanh Hà| 09/08/2019 16:06

Trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) sẽ đẩy mạnh triển khai Trục liên thông văn bản giữa Ủy ban với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, hướng tới kết nối vào Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thông tin trên được lãnh đạo UBQLVNN cho biết tại hội thảo “Số hóa công tác quản lý, điều hành và xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử” do UBQLVNN phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT tổ chức chiều 9-8 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm UBQLVNN cho biết, hiện Ủy ban đang hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng quản trị nội bộ (email, e-office, e-porter, nhân sự…), hoàn thành giai đoạn 1 phần mềm bộ chỉ số (kết nối thành công 19/19 doanh nghiệp; giao diện dashboard, hoạt động 24/7 trên mọi thiết bị); triển khai hội nghị trực tuyến, nâng cấp Cổng thông tin điện tử thành Cổng đa phương tiện đáp ứng yêu cầu bảo mật, chuẩn kỹ thuật hiện đại…

“Việc triển khai này thực hiện theo định hướng xây dựng hệ thống CNTT hướng tới mô hình Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu giám sát thông tin và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cũng theo vị lãnh đạo UBQLVNN, là cơ quan mới được thành lập, Ủy ban có rất nhiều việc phải làm, trong đó xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những nội dung trọng tâm trong hoạt động ứng dụng CNTT của Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty. Vì vậy, việc xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử, tiến tới tích hợp dữ liệu và số hóa các hoạt động quản lý điều hành của Ủy ban với doanh nghiệp là theo đúng yêu cầu, chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ quan trọng phải làm, phù hợp với xu hướng chung và không thể đảo ngược của thời đại.

Về việc triển khai số hoá trong quản lý, điều hành và xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử, ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đã chỉ ra một số lợi ích thiết thực. Cụ thể, triển khai Trục liên thông văn bản điện tử giữa UBQLVNN và 19 tập đoàn, tổng công ty nhằm nâng cao năng lực quản trị; tiết kiệm thời gian gửi, nhận và xử lý văn bản, công việc; giảm thiểu và tiết kiệm chi phí giấy tờ, lưu trữ lâu dài; toàn vẹn dữ liệu nhờ đã số hóa văn bản; bảo đảm độ tin cậy dựa trên hệ thống công nghệ an toàn, bảo mật cao; tăng sự tương tác, gắn kết giữa UBQLVNN với doanh nghiệp.

Ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT.

Cũng theo ông Tô Dũng Thái, trong thời gian qua, VNPT là đơn vị triển khai hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cho Văn phòng Chính phủ. Trục liên thông văn bản quốc gia được kết nối, liên thông với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, giúp kết nối với người dân nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

“Với vai trò là một doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam, Tập đoàn VNPT đã sẵn sàng phối hợp triển khai hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cùng các bộ, ban, ngành và địa phương” - Phó Tổng Giám đốc VNPT nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, đại diện UBQLVNN và VNPT đã trình bày hiện trạng ứng dụng CNTT và giải pháp triển khai. Đáng chú ý, đại diện VNPT đã trình bày giải pháp triển khai Trục liên thông văn bản giữa UBQLVNN và các đơn vị trực thuộc.

Với kinh nghiệm đã triển khai cho Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Tiền Giang..., VNPT khẳng định sẽ ưu tiên hỗ trợ tư vấn, triển khai hạ tầng, phần mềm, xây dựng phương án vận hành cho UBQLVNN và 19 tập đoàn, tổng công ty.

Trục liên thông văn bản quốc gia là nền tảng cốt lõi bảo đảm xây dựng thành công Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Hiện nay, đã có 95/95 cơ quan ở trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt; có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm triển khai Trục liên thông văn bản giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước với doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.