Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến

Thành Tâm| 22/08/2019 07:35

(HNM) - Nói về xây dựng nền hành chính hiện đại với dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như chính phủ điện tử thất bại. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Hà Nội trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Để người dân hiểu và chủ động tiếp cận dịch vụ công trực tuyến thì công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh và đi trước một bước.

Nhân viên bộ phận “một cửa” phường Văn Quán (quận Hà Đông) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Bá Hoạt

Là địa phương có nhiều nỗ lực về cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội đã triển khai cổng dịch vụ công, các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố đã ứng dụng tại 22 sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đến nay, đã có 1.321/1.796 thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 75%), trong đó mức độ 4 là 15,5%, mức độ 3 là 84,5%... Các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội đạt hơn 98%; đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đạt 86,5%.

Song, so với mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao của hội nhập cũng như đòi hỏi của công tác quản lý, việc chủ động tiếp cận dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự rộng khắp. Chị Dương Thị Hồng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết: Nhiều người dân chưa biết khai thủ tục hành chính qua mạng. Nếu không có “công dân điện tử” thì dù dịch vụ công trực tuyến có thân thiện bao nhiêu cũng sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Về vấn đề nêu trên, luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Nguyễn Bùi và cộng sự nhận định, tâm lý giải quyết thủ tục hành chính là phải “đến tận nơi, cầm tận tay” vẫn tồn tại ở nhiều người. Thêm nữa, giải quyết thủ tục hành chính không phải là việc thường xuyên nên mức độ quan tâm của công dân chưa cao, dẫn đến kiến thức về dịch vụ công trực tuyến chưa được cập nhật.

Chị Nguyễn Thị Huệ (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cho biết: Với những người trẻ tuổi thì việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến hầu như không gặp trở ngại gì nếu chịu khó tìm hiểu. Nhưng với người trung và cao tuổi cần phải có sự hướng dẫn theo lối “cầm tay chỉ việc”.

Trước thực tế này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương bên cạnh việc chú trọng công tác bảo mật, tổ chức xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa thì phải đổi mới hình thức tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các hình thức thông tin tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung phải tiếp cận đến 100% hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội...

Được biết hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy các kiến thức về dịch vụ công trực tuyến để mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên cho gia đình. Ngoài ra, thành phố sẽ có nhiều hình thức tuyên truyền khác như: Xây dựng “trailer” giới thiệu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; xây dựng đoạn phim ngắn hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến dành cho một số thủ tục hành chính có lượng giao dịch lớn cũng bằng hai thứ tiếng Anh và tiếng Việt; phát tờ rơi giới thiệu và cổ động sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.