Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Hà Phong| 09/11/2019 07:22

(HNM) - Hiện Văn phòng Chính phủ đang phối hợp chặt chẽ cùng các bộ ngành, địa phương lựa chọn đưa những dịch vụ công thiết yếu, đã được cải cách thực chất để tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, khai trương vào cuối tháng 11-2019. Mục tiêu là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong đó, 3 địa phương gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh sẽ là những đơn vị thực hiện đầu tiên…

Cổng dịch vụ công quốc gia

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Cổng dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại địa chỉ duy nhất dichvucong.gov.vn, nhằm hướng tới xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn thẳng thắn thì đây mới là những việc làm riêng lẻ, bởi khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến ở tỉnh này không thể tái sử dụng lại hồ sơ, giấy tờ, kết quả đã thực hiện ở bộ, ngành, tỉnh khác. Hoặc một doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động khuyến mại trong phạm vi toàn quốc sẽ phải vào cổng dịch vụ công của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc trực tiếp đến nộp giấy tờ bản giấy, gây lãng phí thời gian, công sức đi lại.

Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp trên nền tảng Trục liên thông văn bản quốc gia để có sự chia sẻ dịch vụ, thông tin, thay vì việc giới hạn bởi địa giới hành chính.

Với tiến độ chuẩn bị hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ khai trương ngay trong tháng 11-2019 để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục: Cấp, đổi giấy phép lái xe mức độ 3; cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; đăng ký khuyến mại; cấp mới điện hạ áp và trung áp; thanh toán tiền điện...

Những dịch vụ công dự kiến tích hợp trong tháng 12-2019, gồm: Nộp thuế điện tử đối với cá nhân; cấp phiếu lý lịch tư pháp; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan… Các giấy tờ, thông tin mà tổ chức, cá nhân đã cung cấp một lần thành công khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến được tái sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công nhận tính pháp lý trên cả nước, tạo môi trường công khai, minh bạch.

Song điều đáng lưu ý là, trong bối cảnh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cập nhật chưa đầy đủ, việc làm thế nào để xác thực với các trường hợp thiếu thông tin hay chưa có số điện thoại là không đơn giản. Do đó trước mắt, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh tiên phong thí điểm triển khai đầu tiên.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Hà Nội đang tích cực phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, hoàn thành trước ngày 15-11-2019. Về các biện pháp kỹ thuật để kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, thành phố đã triển khai dịch vụ công thống nhất trên toàn địa bàn. Vì vậy, việc kết nối chia sẻ dữ liệu sẽ tiến hành thuận lợi trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Với tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, chuẩn hóa dữ liệu cũng đã cơ bản hoàn tất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, trong nội bộ tỉnh đã liên thông 4 cấp về thủ tục hành chính; hạ tầng cũng liên thông tốt với Văn phòng Chính phủ, một số bộ và các địa phương khác.

Dưới góc độ người thụ hưởng dịch vụ, chị Đàm Thị Trang (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho rằng, để người dân thuận tiện, dễ dùng, dễ làm, ngay từ giao diện trang chủ phải rất thân thiện, gần gũi và tính xác thực phải rất đơn giản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhất trí với quan điểm nêu trên, đồng thời cho biết, trong quá trình triển khai các dịch vụ tiếp theo đòi hỏi khó hơn, yêu cầu phải có xác thực ở mức độ bảo mật cao hơn, cần nhiều thông tin hơn. Tới đây, các bộ, ngành theo phân công sẽ trình Chính phủ ban hành các nghị định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, kết nối chia sẻ, xác thực và định danh.

"Chưa kỳ vọng có thể làm đầy đủ ngay nhiều dịch vụ được nhưng chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Người dân, doanh nghiệp hài lòng, đánh giá tốt thì phục vụ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương mới đạt yêu cầu" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.