Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực hoạt động cơ quan dân cử

Việt Tuấn| 03/05/2022 06:40

(HNM) - HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì thế, để nâng cao năng lực hoạt động cơ quan dân cử, ngoài việc mỗi đại biểu cần có kiến thức tốt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định còn cần thêm các kỹ năng hoạt động sáng tạo, bám sát thực tiễn.

Quang cảnh buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội về công tác sắp xếp bộ máy, biên chế công chức và hoạt động của UBND phường thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Đức Huấn

Đẩy mạnh công tác giám sát

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, thường trực, các ban HĐND thành phố Hà Nội đã đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề theo hướng sâu sát, trực tiếp cơ sở, đặc biệt đối với các địa phương thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND phường. Hoạt động chất vấn, giải trình đi vào thực chất, linh hoạt, hiệu quả hơn. Do đó, khoảng 70% kiến nghị của HĐND đã được triển khai có kết quả và hơn 30% kiến nghị đang được tổ chức thực hiện ở các cấp.

Lan tỏa từ Thường trực HĐND thành phố, Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã cũng tích cực tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề, phiên giải trình, qua đó tác động hiệu quả đến công tác quản lý nhà nước ở địa phương, được cử tri tin tưởng, ủng hộ.

Chia sẻ kinh nghiệm, nhiều đại biểu HĐND cho rằng, để mỗi cuộc giám sát chất lượng, ngoài nghiên cứu ngành, lĩnh vực chuyên sâu, mỗi đại biểu còn cần những kỹ năng cá nhân. Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, đặc điểm của đại biểu HĐND là đa số hoạt động không chuyên trách, không mang tính chuyên nghiệp, không thường xuyên, lại biến động sau mỗi nhiệm kỳ bầu cử. Cùng với đó, đại biểu được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và điều kiện tham gia hoạt động HĐND không giống nhau. Vì thế, đại biểu phải tự trau dồi kỹ năng, cần được bồi dưỡng kiến thức để nâng cao chất lượng giám sát.

Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND quận Thanh Xuân Vũ Xuân Hà cho rằng, giám sát là kỹ năng khó, phức tạp, đòi hỏi đại biểu nắm vững mục đích giám sát và phải danh mục hóa được các nội dung giám sát. Vì thế, đại biểu cần dành thời gian nghiên cứu tài liệu, phân tích, tổng hợp tốt các vấn đề quan tâm.

Đại biểu chuyên trách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ, để giám sát tốt thì kỹ năng thu thập và xử lý thông tin rất quan trọng. Vì thế, ngoài tài liệu là báo cáo, thì việc nắm bắt, tìm hiểu, thu thập thông tin của đại biểu đến mọi mặt đời sống trên địa bàn ứng cử là cần thiết.

Tiếp tục “đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, các kỳ họp HĐND, nhất là kỳ họp HĐND thành phố ngày càng thực chất, có nhiều cải tiến, đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Đại biểu đã nâng cao năng lực quyết định tại các kỳ họp, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Để thực hiện tốt chức năng quyết định tại mỗi kỳ họp, thì vai trò thẩm tra, khảo sát của các ban HĐND các cấp rất quan trọng. Đại biểu không chuyên trách HĐND thành phố Vũ Mạnh Hải chia sẻ, mỗi kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, trong điều kiện thời gian có hạn, nên đại biểu rất cần những thông tin thẩm tra để thêm căn cứ xem xét, quyết định.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, để thẩm tra tốt thì kỹ năng khảo sát, tổng hợp, đánh giá, nhận định, so sánh trên cơ sở quy định, thực tiễn của các ban HĐND là yếu tố tiên quyết. Tại kỳ họp thứ tư của HĐND thành phố vừa qua, theo tờ trình của UBND đề nghị HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 44 dự án đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, nhưng sau khi nghe thẩm tra của các ban, thảo luận tại tổ, HĐND thành phố chỉ quyết định phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 24 dự án. “Không phải là số lượng nhiều hay ít, mà trên cơ sở lý luận, thực tiễn để sau khi ban hành nghị quyết, các dự án phải khả thi”, đại biểu Hồ Vân Nga chia sẻ.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, bên cạnh những hoạt động nổi bật trên, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả 3 cấp. Hoạt động của HĐND ở một số địa phương cấp huyện, cấp xã còn hình thức, chất lượng giám sát chưa cao, hoạt động chất vấn, giải trình chưa trở thành nền nếp hoặc chưa đem lại hiệu quả tích cực.

Tiếp tục thực hiện phương châm “đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”, Đảng đoàn HĐND thành phố đã tham mưu Thành ủy ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Đề án sau khi triển khai sẽ đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thành phố, nhất là chính quyền đô thị tại các quận, thị xã và củng cố chính quyền nông thôn tại các huyện, xã, thị trấn. Qua đó, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực hoạt động cơ quan dân cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.