Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy hoạt động của cơ quan dân cử

Việt Tuấn| 21/05/2022 06:18

(HNM) - Nhằm tiếp tục thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12-5-2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội” (Đề án số 15-ĐA/TU). Đề án được nhiều đại biểu HĐND các cấp thành phố đánh giá có nhiều điểm mới, đúng với thực tiễn.

Đại diện các ban của HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thực tế tiến độ hoàn thành dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Vũ Thủy

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, trong những năm qua, HĐND các cấp thành phố đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy cùng cấp, cụ thể hóa thành nhiều nghị quyết quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Mặc dù vậy, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả ba cấp. Nguyên nhân khách quan, một số cấp ủy đảng, nhất là ở cấp xã chưa thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND; công tác quy hoạch cán bộ HĐND có nơi chưa được quan tâm đúng mức; số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách một số nơi còn ít, thiếu sự ổn định, chất lượng chưa thực sự đồng đều. Tổ chức bộ máy và việc bố trí cán bộ giúp việc, nhất là ở HĐND cấp huyện, cấp xã chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Vì thế, Đảng đoàn HĐND thành phố đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án trên và được đại biểu HĐND các cấp đánh giá cao, có sự kế thừa của Đề án 04/ĐA-TU ngày 19-10-2012 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011-2016”; đồng thời có nhiều điểm mới với 2 mục tiêu chung, 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 61 giải pháp để triển khai thực hiện.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho rằng, khác với nhiệm kỳ trước, lần này Đề án đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó thực sự đề cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với chỉ tiêu “100% cấp ủy quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND quận, huyện thị xã và xã, thị trấn; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai và quán triệt Đề án đến 100% các chi bộ cơ sở trực thuộc và chi bộ, đảng viên”.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn bày tỏ đồng tình cao với Đề án. “Những chỉ tiêu đề án nêu rất cụ thể, sát đúng và phù hợp, là căn cứ để thực hiện và đánh giá trong quá trình triển khai. Trong đó, thể hiện rất rõ vai trò của cấp uỷ trong lãnh đạo toàn diện hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt công tác cán bộ được quan tâm theo hướng củng cố tổ chức bộ máy, tăng số lượng đại biểu chuyên trách và nâng cao vị thế, vai trò hoạt động của đại biểu chuyên trách. Đây là những điểm mới căn bản  nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy HĐND theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả” - đồng chí Khuất Thị Thu Tuấn khẳng định.

Triển khai hiệu quả Đề án

Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà nhận định, Đề án ban hành rất phù hợp với thực tiễn, nhất là khi thành phố đang triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không có HĐND phường. Thường trực HĐND quận sẽ tham mưu với Ban Thường vụ Quận ủy quan tâm công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ là đại biểu HĐND; từng bước kiện toàn tăng cường số lượng ủy viên thường trực - trưởng các ban của HĐND quận tham gia cấp ủy. Bà Trần Thị Thu Hà cũng cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân sẽ ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, đồng thời quán triệt tới cấp ủy, chính quyền các phường để cùng vào cuộc.

Còn Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn chia sẻ, hoạt động giám sát, đôn đốc giải quyết các kiến nghị của cử tri về lĩnh vực môi trường, triển khai thi công một số dự án đầu tư xây dựng... dù đã được HĐND huyện quan tâm, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Thực hiện Đề án của Thành ủy, thời gian tới, HĐND huyện sẽ tăng cường giám sát; coi trọng việc nghiên cứu, đánh giá kết quả giải quyết, văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền, để kiến nghị về những nội dung mà việc giải quyết, trả lời cử tri chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc giải quyết kiến nghị cử tri để người dân theo dõi, giám sát.

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cũng cho rằng, hiện nay HĐND thị xã chưa tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc với nhóm cử tri. Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc UBND, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị chưa thường xuyên... Đây là những hạn chế, tồn tại mà Thị ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo khắc phục, Thường trực HĐND thị xã tăng cường giám sát.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, bên cạnh củng cố tổ chức bộ máy, quan tâm tăng đại biểu chuyên trách, Đề án số 15-ĐA/TU còn đặt mục tiêu khắc phục hình thức trong hoạt động của HĐND các cấp, nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát, hoạt động chất vấn, giải trình. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, việc tiếp nhận, đôn đốc giải quyết đơn thư cũng cần được quan tâm, đáp ứng yêu cầu và mong muốn của cử tri.

Mong rằng, với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử các cấp tiếp tục thực hiện phương châm hoạt động “đổi mới - sâu sát - khoa học - hiệu quả”, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hoạt động của cơ quan dân cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.