Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản Tuyên ngôn cách mạng bằng thơ của Nguyễn Ái Quốc

LÊ XUÂN ĐỨC| 02/09/2015 06:46

(HNM) - Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Liên Xô, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Quốc tế nông dân, một tổ chức thành viên của Quốc tế Cộng sản. Trước tình hình chuyển biến tích cực của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở Trung Quốc đang vào thời kỳ cao trào mà Quảng Châu là trung tâm cách mạng

Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu ngày 11-11-1924 trên con tàu cắm cờ đỏ của đất nước Xô Viết xuất phát từ Vlađivôxtốc. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Lý Thụy, cùng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ, làm việc trong phái bộ Bôrôđin và tự mình tìm cách bắt liên lạc, kết nối với các đồng chí, các tổ chức cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Quảng Châu để xúc tiến công tác tổ chức, mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, ươm mầm hạt giống cho cách mạng Việt Nam và chỉ đạo cuộc đấu tranh trong nước. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã cùng các đồng chí của mình thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, cho ra đời cơ quan ngôn luận - Báo Thanh niên để tuyên truyền, vận động cách mạng.

Là người chọn con đường giải phóng dân tộc và là thành viên của Quốc tế Cộng sản, với tầm nhìn xa, trông rộng, Nguyễn Ái Quốc đã xác định quan điểm, lập trường cách mạng triệt để, cách mạng đến cùng. Quan điểm và cách nhìn được thể hiện qua bốn câu thơ mà Người cho đăng trên Báo Thanh niên số ra ngày 10-11-1926:

Đã làm cách mệnh chớ lôi thôi,
Cách mệnh thì ta cách đến nơi.
Trước phải giành quyền cho cả nước,
Sau ra cách mệnh cả bầu giời (trời).

Bốn câu thơ có giá trị như một Tuyên ngôn cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà cũng là cho những người cách mạng, cho cách mạng nói chung. Tuyên ngôn ấy mạnh mẽ, rõ ràng, đã làm cách mạng không được nghiêng ngả, chao đảo - chớ lôi thôi, phải kiên định, kiên trì, kiên quyết thực hiện mục tiêu cách mạng, phải cách đến nơi, cách mạng phải đến đích, phải thắng lợi.

Trước tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến, với thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhà nước Liên bang Xô Viết ra đời, mở ra một chân trời mới; các nước bị áp bức nô lệ đang lần lượt vùng lên; thực dân đế quốc ngày càng ra sức đàn áp, bóc lột, vơ vét. Ở Việt Nam, những người yêu nước, những tổ chức cách mạng tuy còn hoạt động trong vòng bí mật nhưng ngày càng phát triển, quần chúng cần lao nếu được giác ngộ, được tập hợp lực lượng thành một khối đoàn kết, thống nhất sẽ thành sức mạnh vô địch. Từ cảm quan chính trị nhạy bén, mang trong mình sự kết hợp nhuần nhuyễn lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần quốc tế cao cả, Nguyễn Ái Quốc nhận thức rất rõ xu thế thời đại đã chọn con đường đi cho mình và cho tổ chức về tiến trình cách mạng.

Trước phải giành quyền cho cả nước
Sau ra cách mệnh cả bầu giời.


Trước phải giành quyền chính đáng cho dân tộc, những quyền cơ bản nhất, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, quyền tự quyết, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Muốn thế chỉ có con đường làm cách mạng lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vấn đề giải phóng dân tộc phải là vấn đề trước hết rồi mới tiến hành Sau ra cách mệnh cả bầu giời. Mục tiêu cách mạng, tiến trình cách mạng rất sáng rõ. Khi Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có chương trình và điều lệ nói rõ là mục đích làm cách mạng dân tộc, sau đó làm cách mạng thế giới. Trước ngày đi xa, Người để lại Di chúc điều mong muốn cuối cùng “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Vẫn là vấn đề dân tộc và thế giới. Chẳng thế mà nói như một nhà nghiên cứu nước ngoài: Nhân loại đã nhất trí suy tôn Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà yêu nước của Việt Nam, đồng thời là chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa”.[2]

Có được một tuyên ngôn ôn tồn mà dõng dạc, mềm mại mà kiên quyết, rõ ràng, dứt khoát là kết quả của cả một quá trình đã sải bước chân nghìn dặm khắp các châu lục, trải nghiệm, thử thách và tiếp cận chân lý; đồng cảm và hòa cùng cuộc sống của những người cùng khổ; chứng kiến sự tàn ác, dã man của thực dân đế quốc; tham gia nhiều tổ chức quốc tế tiến bộ đấu tranh giải phóng con người.

Sau này, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, ngày 2-9-1945 tại Vườn hoa Ba Đình, trên cương vị người đứng đầu nhà nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước đồng bào cả nước và thế giới về nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào lịch sử, trở thành một văn kiện vang lên tiếng nói của chân lý, một áng thiên cổ hùng văn sống mãi cùng thời gian.

Như vậy là, ở những bước ngoặt của lịch sử dân tộc, Nguyễn Ái Quốc có hai bản Tuyên ngôn, một bản Tuyên ngôn cách mạng bằng thơ về quan điểm, lập trường và con đường cách mạng và bản Tuyên ngôn về nền độc lập, tự do của dân tộc.
_________
[1] Bôrôđin vừa là cố vấn chính trị của chính phủ Tôn Trung Sơn, vừa là đại diện Quốc tế Cộng sản ở miền Nam Trung Hoa. Ở Quảng Châu, Bôrôđin có uy tín lớn. Ông là một người Bônsêvích giàu kinh nghiệm. Ông vào Đảng Cộng sản năm 1923, lúc 19 tuổi. Lênin rất tín nhiệm Bôrôđin, giao phụ trách liên lạc chuyên lo về các vấn đề của phong trào Cộng sản và Quốc tế Cộng sản.
[2] Lê Kỳ Sơn - nhận thức về Hồ Chí Minh những năm tháng gian nan của đất nước, Hồn Việt số 95, tr17.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản Tuyên ngôn cách mạng bằng thơ của Nguyễn Ái Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.