Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Văn hóa doanh nghiệp là hình ảnh quốc gia"

Thương Nguyệt| 07/11/2016 22:16

(HNMO) – Tối 7/11, tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - 10/11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.


Tham dự buổi lễ có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương; đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân”.

“Khi nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy không một cường quốc kinh tế nào mà không có một nền văn hóa doanh nghiệp đặc sắc. Tại sao những quán ăn của Nhật Bản, Hàn Quốc lại có thể chinh phục khách hàng trên khắp thế giới? Tại sao những tập đoàn như: Toyota, Sony, Samsung, Apple, Ford… có thể tồn tại và phát triển nhiều thập niên, thậm chí cả trăm năm và khi gặp khủng hoảng, họ vẫn có thể đứng dậy, vượt lên. Một trong những lý giải rất quan trọng là họ có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp rất mạnh, thậm chí có những thương hiệu đã trở thành biểu tượng của một quốc gia. Những thương hiệu đó đại diện cho những giá trị về sức sáng tạo, tính kỷ luật, sự tiên phong, trách nhiệm xã hội…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Văn hóa doanh nghiệp là cầu nối ta hòa nhập, hội nhập hữu hiệu nhất


Đề cập đến các thương hiệu được xây dựng dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững như FPT, TH Truemilk, Vinamilk, Viettel, VNPT, Công ty cổ phần xây dựng Coteccons, Công ty ô tô Trường Hải, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: “Nếu như doanh nghiệp Mỹ có đặc trưng của tính tự do, phóng khoáng, có thiên hướng thực dụng; doanh nghiệp Nhật có tính kỷ luật, sự tận tụy và tinh thần hợp tác mang thiên hướng gia đình; doanh nghiệp Hàn Quốc có đặc trưng trung thành, trách nhiệm, tính cam kết cộng đồng rất cao; doanh nghiệp Đức thể hiện tính chính xác, thận trọng, kỷ luật và thực tế. Vậy nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì? Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà tự mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của riêng mình”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”


Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nguyên tắc cơ bản hay nói cách khác, những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp. Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là: “liêm chính”, “sáng tạo”, “chuyên nghiệp”, “tận tụy” hay “trách nhiệm môi trường”…

Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Đánh mất văn hóa là đánh mất chính mình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh “đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa của doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định song phương, đa phương”.

“Văn hoá doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản, giá trị cốt lõi không thể tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh cũng là những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp, biết hài hoà, cân bằng các lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa lợi nhuận có được với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hoá ở thế kỷ 21. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp”.

Năm tiêu chí xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam


Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động trong toàn quốc Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” với 5 nội dung cụ thể như sau:

Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò văn hoá doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp Việt Nam từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng và phát triển nền tảng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển văn hoá doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội; Làm lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh; tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động sáng tạo; Nâng cao văn hoá tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ nhân viên và người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hoá và môi trường làm việc.

Cũng tại buổi lễ, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm khuyến khích việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Văn hóa doanh nghiệp là hình ảnh quốc gia"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.