Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Hiền Lương| 16/08/2018 06:50

(HNM) - Quyết tâm đổi mới phong cách lãnh đạo trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách, cấp ủy các cấp TP Hà Nội đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại diện các đoàn thể quận Đống Đa tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho các hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Sơn Hà


Vì dân, lựa chọn những việc cấp bách

Nhớ lại thời điểm từ giữa năm 2016 về trước, việc đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở đối với nhiều người là rất khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thái Huân, ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) cho biết: “Trước đây, cứ nghĩ đến việc phải đi làm thủ tục là tôi đã không muốn đi rồi”. Sự trì trệ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nói chung trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã góp phần tạo nên câu nói: “Hà Nội không vội được đâu”.

Không chấp nhận thực tế này, lãnh đạo thành phố quyết tâm tạo chuyển biến. Ngày 1-9-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: "Kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn sẽ là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền".

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngành Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm số ngày thụ lý hồ sơ. Nhiều địa phương từ chỗ đạt tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 50-60% đã vươn lên đạt 100% trước thời hạn. Chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ ngày chỉ thị được ban hành, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố đã đạt trên 90%.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, đầu nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ đất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận mới toàn thành phố chỉ đạt khoảng 30%, sau khi Thành ủy có chỉ thị, đến nay toàn thành phố đã cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa đạt hơn 99%.

Không chỉ riêng lĩnh vực đất đai, với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã tạo chuyển biến mạnh đối với nhiều vấn đề liên quan tới cuộc sống người dân như: Công tác phòng cháy, chữa cháy; cấp nước sạch sinh hoạt; vệ sinh môi trường; phòng chống dịch bệnh...

Đặc biệt là cải cách hành chính đã có bước tiến đột phá, dần xóa đi tiếng xấu “Hà Nội không vội được đâu” trở thành “Hà Nội không vội không xong” như nhận định của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2017 của Hà Nội đã tăng 1 bậc, đứng vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị

Ở cấp thành phố, tinh thần tích cực nêu trên thường xuyên được lãnh đạo thành phố lưu ý, nhắc nhở. Không chỉ nhấn mạnh “Cán bộ chủ chốt phải chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội còn nêu cụ thể hơn: "Đừng nghĩ những việc xảy ra lâu rồi, thuộc trách nhiệm của khóa trước, nên cứ xếp lại đó"; "khi dân đang chờ, cán bộ không được "buôn dưa lê", nói chuyện điện thoại..."; "Mỗi nơi, mỗi đồng chí chọn ra một, hai vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung làm thật tốt, tạo chuyển động thật sự"...

Thực hiện sự chỉ đạo này, hầu hết các cấp ủy trực thuộc Thành ủy coi tiêu chí thi đua hàng đầu đối với cán bộ, công chức, viên chức chính là có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đảng bộ quận Long Biên là nơi có nhiều ý tưởng mới thể hiện rõ tinh thần này.

Làm việc với quận để phục vụ xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá: “Long Biên đã chọn việc rất khó là khâu đánh giá cán bộ. Đây là việc làm hết sức quan trọng, cần thiết, trên cơ sở đó để tổng kết mô hình nhân rộng ra toàn quốc". Sau đó, đổi mới công tác đánh giá cán bộ trở thành nhiệm vụ số 1 trong 5 đột phá của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).

Cùng với Long Biên, nhiều đơn vị, địa phương của Hà Nội đã chủ động đổi mới công tác đánh giá cán bộ như Ban Tổ chức Thành ủy, quận Tây Hồ, huyện Phú Xuyên, Sở Tài chính... Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho hay: “Cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã cảm nhận rõ tính quyết liệt, thấy rõ áp lực, hối hả trong công việc”.

Từ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành đã được phát huy. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Viết Lưu nhận xét: “Đứng trước áp lực, Hà Nội đã bứt phá lên so với chính mình. Thủ đô là “cái nôi” phát minh ra, thử nghiệm hiệu quả, làm chỗ dựa vững chắc và làm gương cho cả nước trong thực hiện những ý tưởng đổi mới, sáng tạo”.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng giải quyết những vấn đề khó khăn, nhiệm vụ trọng yếu như: Giải phóng mặt bằng, phát triển du lịch, trật tự văn minh đô thị, củng cố cơ sở Đảng yếu kém...

Rõ nhất là trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Chỉ qua hơn một năm thực hiện, nghị quyết đã khẳng định vai trò như một liều thuốc đặc trị giải quyết các “điểm nóng” trên địa bàn và ngăn ngừa, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân.

Cũng với tinh thần đó, Hà Nội đã mạnh dạn đề xuất và được Trung ương giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội để trình Bộ Chính trị cuối năm nay, sẵn sàng đưa vào thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới.

Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước; có môi trường đầu tư ngày càng tin cậy. Chỉ trong hai năm 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, thành phố thu hút được 12,46 tỷ USD, bằng gần 60% tổng số vốn đầu tư đã thu hút giai đoạn 1986-2015; dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018. Không chỉ được bình bầu là một trong 10 thành phố năng động nhất thế giới, Hà Nội còn là một trong những điểm đến thân thiện và hấp dẫn nhất thế giới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.