Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác Tôn - người cộng sản cống hiến trọn đời cho nhân dân

PGS.TS Bùi Đình Phong| 20/08/2018 06:51

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của đồng chí Tôn Đức Thắng (tên thường gọi thân mật là Bác Tôn) - nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Bùi Đình Phong về cuộc đời vinh quang của Bác Tôn, người cộng sản mẫu mực, người cống hiến trọn đời cho nhân dân.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Ảnh tư liệu


1. Tiếp thu truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương, gia đình, dân tộc, với tấm lòng yêu nước và căm thù giặc Pháp, Tôn Đức Thắng sớm chọn hướng đi và cách đi bằng con đường người thợ. Đến với giai cấp công nhân, trở thành công nhân, từ lúc 24 tuổi, Tôn Đức Thắng tự đào luyện mình trong các cuộc đấu tranh của công nhân, tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh Trường Bá Nghệ bãi khóa. Trường học và trường đời bước đầu đem lại cho Tôn Đức Thắng năng lực tổ chức thực tiễn, tinh thần đấu tranh kiên cường, không khoan nhượng, chống lại mọi sự đè nén, áp bức.

Là công dân ở một nước thuộc địa, Tôn Đức Thắng là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Ngày 20-4-1919, đồng chí tham gia cuộc nổi dậy của hải quân Pháp ở Biển Đen, kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Phơ răng xơ. Sự kiện này cho thấy Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên biểu thị tinh thần yêu nước bằng hành động dũng cảm của mình cùng những người bạn phản đối sự can thiệp vũ trang của bọn đế quốc hiếu chiến, ủng hộ và bảo vệ nước Nga Xô viết - Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Sau sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Pháp ở Biển Đen, Tôn Đức Thắng bị trục xuất khỏi nước Pháp, trở về Sài Gòn. Năm 1920, đồng chí tổ chức và lãnh đạo Công hội bí mật. Tháng 9-1925, Công hội dưới sự lãnh đạo của Tôn Đức Thắng đã tổ chức công nhân Ba Son đấu tranh ngăn chặn việc sửa chữa chiến hạm Mi sơ lê để ủng hộ cách mạng Trung Quốc. Cuộc bãi công giành thắng lợi, có ý nghĩa chính trị to lớn thể hiện ý thức đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tháng 7-1929, đồng chí Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Sài Gòn, là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Kỳ. Đồng chí tham gia tích cực vào quá trình vận động thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Giữa lúc đang hoạt động sôi nổi trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tháng 7-1929, đồng chí bị bọn đế quốc bắt.

Gần 17 năm bị tù đày tại Khám lớn Sài Gòn và “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí luôn nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường và niềm tin vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của người tù khổ sai trong hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo mãi mãi là bản anh hùng ca khí tiết của người cộng sản trước quân thù.

Trở về từ Côn Đảo sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên các cương vị khác nhau của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đồng chí đã góp phần xứng đáng của mình cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội vào công cuộc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, kháng chiến chống thực dân Pháp vì độc lập, tự do của đất nước.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9-1955), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đồng chí tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969), đồng chí được cử làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Gần 70 năm hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, với những trọng trách được giao, Bác Tôn đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, một người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí đã suốt đời phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Bác Tôn là người bạn lớn, người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Bác Hồ không phải ở chỗ Bác Tôn lớn hơn Bác Hồ hai tuổi và cả hai người đều được cả dân tộc suy tôn gọi là Bác, mà những điều quan trọng nhất đó là cũng như Bác Hồ, Bác Tôn là một chiến sĩ cách mạng kiên cường mẫu mực, một nhà lãnh đạo kính mến và thân thiết. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi, Bác Hồ nhấn mạnh “đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”...

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, bước đầu lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta nguyện quyết tâm phấn đấu tiếp tục thực hiện những điều mà Bác Tôn thiết tha mong muốn: Tăng cường đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; ra sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta biến quyết tâm thành hành động thật sự trong việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Noi gương đạo đức, phong cách Bác Tôn, mà một biểu hiện sáng nhất là phong cách lãnh đạo không tỏ ra là con người có quyền lực, ham quyền lực, chúng ta rà soát, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với chủ đề của năm 2018 là “xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”. Các nghị quyết của Đảng và Chỉ thị 05-CT/TƯ nêu rõ cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện.

Đảng ta nhấn mạnh sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, chỉ thị, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn. Phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp “xây” đi đôi với “chống”.

Thực hiện tốt, có hiệu quả những điều nêu trên là cách tốt nhất, xứng đáng nhất trong hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Tôn - người cộng sản tiêu biểu của chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Tôn - người cộng sản cống hiến trọn đời cho nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.