Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắp xếp bộ máy tốt để hoạt động hiệu quả

Hiền Thu| 20/08/2018 21:36

(HNMO) - Chiều 20-8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì buổi họp báo của Bộ Nội vụ cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi họp báo.


Theo Bộ Nội vụ, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 6-8-2018 là 39.823 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 7 tháng đầu năm 2018 là 9.462 người). Trong đó, tính theo chính sách được hưởng thì người hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 34.515 người, hưởng chính sách thôi việc ngay là 5.234 người, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 29 người, hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước là 40 người.

Ở các bộ, ngành khối trung ương đã thực hiện việc tách, nhập, điều chỉnh các cục, vụ, viện phù hợp với tổ chức của bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế. Tại địa phương, chính quyền cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành, các trung tâm, các quyết định thành lập mới, giải thể, chia tách, sáp nhập các cơ quan đơn vị thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Nội vụ đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như: Sẽ giải quyết vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy thế nào, có tồn tại tình trạng thừa cấp phó hay không? Tiêu chí nào để bổ nhiệm người đứng đầu ở đơn vị sáp nhập? Làm sao chống tình trạng chạy sáp nhập, chạy chức khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính?

Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đã đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong sắp xếp các đơn vị hành chính; chính quyền địa phương các cấp phải chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương sáp nhập này… Thực hiện tốt những giải pháp đó thì việc triển khai sẽ đồng bộ, đạt kết quả tốt.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, việc sáp nhập, chia tách thời nào cũng có, điều quan trọng là phân tích được tình hình, sắp xếp tốt thì bộ máy hoạt động có hiệu quả. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc quan điểm của Bộ Nội vụ thế nào khi có thể thời gian tới TP Hà Nội sẽ phải thực hiện cả hai đề án lớn là Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, thực hiện việc đổi mới sẽ có khó khăn, song cần chấp nhận, nỗ lực vượt khó để tiến tới làm tốt hơn.

“Tôi đánh giá cao việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội. Qua việc tổ chức các hội thảo, các kênh lấy ý kiến… cho thấy thành phố làm rất bài bản, cẩn trọng và khoa học. Đặc biệt, thành phố đã xem xét đến các vấn đề: Tổ chức HĐND thế nào cho phù hợp, việc tổ chức bộ máy các sở, những vấn đề phân cấp của thành phố và sự phân cấp của trung ương, bộ, ngành đối với thành phố… Do đó, nếu được quan tâm đúng mức thì TP Hà Nội sẽ làm rất tốt”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp bộ máy tốt để hoạt động hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.