Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ôn chuyện Bác Hồ tát nước chống hạn

Ngọc Quỳnh| 02/09/2018 07:13

(HNM) - Chúng tôi về Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) vào một sớm thu dịu mát. Giờ đây, cánh đồng Quai Chảo - nơi Bác Hồ về chống hạn cùng nhân dân đã khác xưa, nhưng hình ảnh và lời căn dặn của Bác thì vẫn vẹn nguyên trong ký ức nhiều người.

Ông Ngô Mạnh Quyền (trái) bên phù điêu Bác Hồ tát nước chống hạn tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì).


Bên Đài tưởng niệm nhân sự kiện Bác Hồ về thăm và tát nước chống hạn cùng nhân dân xã Tả Thanh Oai (tên trước đây là xã Đại Thanh) tại cánh đồng Quai Chảo, ông Ngô Mạnh Quyền (83 tuổi), một trong những người vinh dự được gặp Bác, hồi tưởng: Vụ chiêm năm 1958, thời tiết không thuận, hạn hán diễn ra trầm trọng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân trong xã tập trung phát huy mọi khả năng lao động, sức kéo, vật tư... quyết tâm cấy hết diện tích đúng thời vụ.

Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, còn 50% diện tích chưa cấy được, Chi bộ Đảng, chính quyền đã phát động nông dân trong thôn khơi sâu mương máng, lấy nước sông Nhuệ vào đồng với khẩu hiệu “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” đã tạo ra khí thế chống hạn sôi nổi. Hàng nghìn người ngày đêm bằng mọi biện pháp để đưa nước vào đồng. Phương châm là: Cày bừa đến đâu, cấy ngay đến đó. Lúc ấy, ba thôn Nhân Hòa, Thượng Phúc, Siêu Quần cấy sắp xong; riêng thôn Tả Thanh Oai, diện tích bị hạn nặng hơn, tập trung vào 50 mẫu ở cánh đồng Quai Chảo, xã đã huy động thanh niên, dân quân tát nước dọc theo bờ sông Lán; bộ đội về giúp dân tát nước dọc bờ sông Hòa Bình...

Giữa lúc nhân dân Đại Thanh ra sức chống hạn, một vinh dự lớn đã đến với nhân dân địa phương khi được Bác Hồ về thăm vào buổi sáng 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu, tức ngày 12-1-1958. Sau khi đỗ xe tại cống Minh Lâu, Bác cùng các đồng chí cán bộ đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo. Bác xắn quần quá gối, xách đôi dép lốp đến chỗ tát nước của cụ Ngô Văn Lan. Bác nói: “Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy chục năm nay, nhưng tát nước thì vẫn nhớ”. Rồi Bác cùng đồng chí Vũ Quý, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông tát nước. Trong tư thế vững chãi của người tát nước gầu giai, Bác thả gầu, múc nước, đổ nước thuần thục như một lão nông. Vừa tát nước, Bác vừa động viên mọi người tiếp tục làm việc. Sau đó, Bác xắn quần lội qua sông Lán, đi về cống Minh Lâu. Bác căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân có mặt tại đó: “Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, cấy hết diện tích, Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên Bác”. Tất cả mọi người vô cùng cảm động, quyến luyến khi Bác tạm biệt...

"Làm theo lời Bác, phong trào thi đua trong xã đã trở nên rầm rộ với một khí thế mới. Các thôn còn đóng thêm một số guồng đạp nước, nhiều tàu tát trước kia chỉ tát một khau, sau đó đã tát 2 khau để cấy kịp thời vụ... Tình cảm của Bác đã cổ vũ cán bộ, nhân dân trong xã vượt qua khó khăn, chiến thắng thiên tai, cấy hết diện tích, giành thắng lợi vụ đông xuân năm 1958. Từ đó, phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ và vừa cùng nhiều biện pháp khác đã góp phần đưa năng suất lúa mỗi năm một tăng. Đặc biệt, để kỷ niệm ngày Bác về tát nước chống hạn với nhân dân, ngay chỗ Bác đỗ xe, Tỉnh ủy Hà Đông, Huyện ủy Thanh Trì đã xây dựng Trạm bơm Đại Thanh với công suất 4.000 m3/giờ; thanh niên thôn Tả Thanh Oai đã trồng được 60 mẫu khoai lang và hoa màu khác ở những diện tích trên cao thiếu nước” - trong dòng hồi ức đầy xúc động, ông Ngô Mạnh Quyền kể lại.

Cánh đồng Quai Chảo năm xưa, nay đã được dồn điền, đổi thửa, cải tạo. Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tràng Thắng cho biết: Nhớ lời Bác dặn, Đảng bộ, chính quyền xã Tả Thanh Oai không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã có 150ha lúa chất lượng cao, 130ha nuôi trồng thủy sản… cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Người dân trong xã còn phát triển một số mô hình sản xuất mới như: Trồng hoa ly, nuôi ốc nhồi thương phẩm, trồng nấm dược liệu… với thu nhập bình quân đạt 41,3 triệu đồng/người/năm. Cùng với phát triển kinh tế, người dân và chính quyền địa phương xây dựng đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng... khang trang, sạch đẹp. Năm 2015, xã Tả Thanh Oai đạt chuẩn nông thôn mới.

Để duy trì, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, cải tạo chỉnh trang, xây dựng các ngõ xóm xuống cấp; nâng cấp giao thông nội đồng. Để bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp, xã cùng nhân dân cải tạo, chỉnh trang dọc tuyến sông Nhuệ, duy trì các vườn hoa, cây xanh...

Đã 60 năm trôi qua, hình ảnh Bác Hồ tát nước chống hạn ở cánh đồng Quai Chảo năm xưa cùng lời căn dặn của Người luôn khắc ghi trong tâm khảm mỗi người dân và là nguồn động viên to lớn đối với các thế hệ cán bộ, nhân dân Tả Thanh Oai. Đây là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đoàn kết, tích cực sản xuất, xây dựng quê hương đẹp giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ôn chuyện Bác Hồ tát nước chống hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.