Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được thông qua

Bảo Hân| 19/11/2018 18:51

(HNMO) - Chiều 19-11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình báo cáo trước Quốc hội.


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung 37 điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, ngày 6-11-2018, các đại biểu đã cho ý kiến về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh và sự cần thiết ban hành dự thảo Luật; đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến góp ý và cho rằng dự thảo Luật cơ bản đáp ứng điều kiện để được xem xét, thông qua trong kỳ họp này.

Về một trong những nội dung trọng tâm của việc sửa Luật lần này là tăng quyền tự chủ với các cơ sở giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ.

Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ. Những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung - cầu nhân lực.

Dự thảo cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản, và cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong Luật.

Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn (như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…) đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.

"Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng" - ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật cũng quy định rõ về trách nhiệm giải trình, bao gồm cả nội dung, hình thức và đối tượng của hoạt động giải trình. Dự thảo Luật cũng đã quy định một số chế tài cụ thể để xử lý đối tượng không thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo. Mức độ và tính chất xử lý vi phạm được quy định tại các văn bản dưới Luật.

Về tài chính, tài sản, dự thảo Luật quy định, cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ sử dụng một phần tài chính, tài sản được Nhà nước giao để thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển là căn cứ trên nguyên tắc và phải tuân thủ các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này. Vì vậy, trong luật này không cần thiết phải quy định lại.

Chiều 19-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Luật gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật cũng xác định ngày 28-8 hằng năm là Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.

Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt cũng đã được đa số đại biểu tán thành thông qua trong chiều cùng ngày.

Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 83 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Luật Chăn nuôi quy định cụ thể về công tác quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; thức ăn chăn nuôi; điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi; chăn nuôi động vật khác; đối xử nhân đạo với vật nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Luật Trồng trọt gồm 7 chương, 85 điều, quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được thông qua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.