Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 30/11/2018 08:41

(HNMO) - Sáng nay, 30-11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.


Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.

Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vũ Hồng Khanh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy, sở, ban, ngành và một số đảng ủy trực thuộc Thành ủy.


Quang cảnh hội nghị.


Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, trước khi thực hiện đề án, Thành ủy Hà Nội có 58 đảng bộ trực thuộc, với 2.927 tổ chức cơ sở Đảng; có 5.638 chi bộ trên địa bàn dân cư và 1 đảng bộ bộ phận. Mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị-xã hội ở địa bàn dân cư của thành phố khá đa dạng, nhiều nơi không đồng bộ. Chi bộ đảng ở địa bàn dân cư được tổ chức phổ biến theo 6 loại hình; có thực trạng nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn, nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố, điển hình là thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba Vì có tới 13 chi bộ lãnh đạo một thôn. Thành phố có 9.988 thôn, tổ dân phố. Do yếu tố lịch sử, quy mô thôn, tổ dân phố có sự khác biệt nhau khá lớn giữa các xã, phường, thị trấn. Nhiều tổ dân phố có số hộ thấp, dưới 50 hộ, trong khi nhiều thôn có quy mô hơn 1.000 hộ. Ban Công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể chính trị-xã hội ở địa bàn dân cư cũng chưa được quy định thống nhất.

“Sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, đến nay, có thể khẳng định đã khắc phục được tình trạng chồng chéo nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố có quy mô hợp lý hơn, thu gọn đầu mối bảo đảm hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố, là cánh tay nối dài của chính quyền ở cơ sở. Chi bộ thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động và công tác xây dựng, củng cố tổ chức thôn, tổ dân phố, nhất là khi bầu trưởng, phó thôn và tổ trưởng, tổ phó dân phố; chỉ đạo đại hội các đoàn thể chính trị-xã hội” - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu rõ.

Cụ thể, đến nay, toàn thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố, giảm 2.018 thôn, tổ dân phố (20,1%). Thực hiện đề án, đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã điều chỉnh, chia tách, hợp nhất các chi bộ địa bàn dân cư để bảo đảm thực hiện thống nhất theo mô hình của đề án. Sau 5 năm, toàn thành phố còn 5.236 chi bộ; giảm 402 chi bộ thôn, tổ dân phố. 

Thực hiện đề án, thành phố cũng đã giảm được hàng ngàn đầu mối đoàn thể chính trị-xã hội ở địa bàn dân cư như: Giảm 242 Ban Công tác mặt trận, 2.880 chi hội phụ nữ, 302 chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 848 chi hội cựu chiến binh, 851 chi hội nông dân. 

Cùng với giảm số lượng thôn, tổ dân phố, chi bộ và các đoàn thể chính trị-xã hội, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư và người hưởng hỗ trợ chi bồi dưỡng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã giảm 9.539 người.

Báo cáo cũng nêu rõ một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn sau khi sắp xếp mô hình hệ thống chính trị theo Đề án số 06-ĐA/TU như số lượng chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên ngày càng tăng; hoạt động của đảng bộ xuất hiện nhiều khó khăn; quy mô số hộ ở thôn, tổ dân phố một số nơi chưa phù hợp; khó khăn, hạn chế về tổ chức và hoạt động của các chi hội đoàn thể; thực trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên.

Ban Thường vụ Thành ủy đồng thời đề ra 5 nhóm giải pháp để tiếp tục thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU và khắc phục những vấn đề nêu trên.

Thí điểm mô hình kiêm nhiệm 6 chức danh theo Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII)


Hội nghị đã nghe Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đường Hoài Nam trình bày Kế hoạch số 109-KH/TU về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội” và Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23-11-2018 về “Thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII)”.

Theo Kế hoạch số 109-KH/TU, Thành ủy Hà Nội phấn đấu khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng trong năm 2019; đồng thời phấn đấu đến năm 2023, có từ 95% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trở lên là đảng viên và ít nhất 50% thôn, tổ dân phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. 

Thành phố cũng sẽ rà soát sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định gắn với hoàn thiện hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư đồng bộ theo mô hình của Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, hoàn thành trong năm 2019.

Theo Đề án số 09-ĐA/TU, Hà Nội sẽ thực hiện mô hình thí điểm kiêm nhiệm đối với 6 chức danh người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở những nơi có đủ điều kiện, gồm: Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra các quận, huyện, thị xã; Chánh Văn phòng cấp ủy đồng thời là Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận, huyện, thị xã.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo thực hiện thí điểm hợp nhất mô hình tổ chức ở những nơi đủ điều kiện và chỉ thực hiện ở địa phương thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND gồm: Cơ quan Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ; cơ quan Ủy ban Kiểm tra với cơ quan Thanh tra; Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND - UBND.

Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU là thận trọng, từng bước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; thực hiện mô hình thí điểm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý trước; mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội; tạo sự đoàn kết, ổn định...

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì khảo sát và đề xuất, báo cáo phê duyệt và tổ chức thực hiện việc thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp và một số chức danh kiêm nhiệm từ năm 2019. Trong đó, thành phố sẽ chọn 3 quận, huyện, thị xã và từ 10%-15% số xã, phường, thị trấn để thực hiện.

Tinh gọn đội ngũ không chuyên trách ở địa bàn dân cư


Dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, hội nghị đã tiến hành thảo luận. Các đại biểu đã tập trung phân tích, chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế, tồn tại sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, báo cáo, đề xuất liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU và Đề án số 09-ĐA/TU. 

Mở đầu, Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, quận đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc khảo sát, hình thành nội dung cơ bản của đề án, sẵn sàng thực hiện từ quý I-2019. 

Nếu thực hiện được theo đề án, riêng quận Long Biên dự kiến có thể giảm chi phí từ ngân sách nhà nước khoảng 10 tỷ đồng/năm; đồng thời nâng cao được chất lượng hoạt động của các vị trí công tác cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng kiến nghị một số vấn đề để thực hiện Đề án 09-ĐA/TU bảo đảm hiệu quả; đáng chú ý là cần sớm quy hoạch, lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhất là bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng để cán bộ kiêm nhiệm có thể “đi đều hai chân”; hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh độc đoán, chuyên quyền... 

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho rằng, quy định chức năng, nhiệm vụ của bí thư chi bộ, trưởng thôn phải rất rõ ràng để ngăn ngừa vi phạm, nhất là khi bắt tay vào thực hiện mô hình bí thư chi bộ thôn đồng thời là trưởng thôn. 

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho biết, nhiều khu đô thị hiện nay không bố trí đủ các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, đề nghị thành phố quan tâm vấn đề này trong quá trình phê duyệt, cấp phép cho các dự án phát triển đô thị.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, theo Đề án số 09-ĐA/TU, huyện sẽ chọn 4 xã, thị trấn để thực hiện từ năm 2019 gắn với thực hiện cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, thôn có hai loại gồm: Đối với tổ dân phố dưới 200 hộ thì tiến hành sáp nhập để hình thành tổ dân phố từ 300 hộ trở lên; các khu mới dưới 500 hộ thì sáp nhập vào các tổ dân phố liền kề. Mặc dù thôn dưới 400 hộ thì tiến hành sáp nhập, nhưng cần tính tới yếu tố truyền thống. Đối với khu dân cư nông thôn mới hình thành, nếu dưới 400 hộ thì sẽ sáp nhập vào các thôn có sẵn, trên 400 hộ thì thành lập thôn mới. Giám đốc Sở Nội vụ cũng đánh giá, Đề án sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố của quận Long Biên có tính khả thi, vừa giảm được số người, kinh phí và nâng cao hiệu quả. Việc thực hiện tốt đề án của quận Long Biên sẽ là cơ sở để nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, hiện nay, thành phố đã thực hiện phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn ở mức cao nhất theo quy định chung của cả nước. Trong đó, toàn thành phố hiện có 59.156 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 582 tỷ 627 triệu đồng/năm. Trong khi đó, công việc của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố còn nhiều bất cập, chưa được quy định cụ thể. Do đó, việc thực hiện thí điểm sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố làm căn cứ thực hiện toàn thành phố là cần thiết. Giám đốc Sở Tài chính cũng đề xuất thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương phân cấp cho thành phố chủ động nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với hiệu quả công việc để thực hiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với phụ cấp của cán bộ ở địa bàn dân cư.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vũ Hồng Khanh cho rằng, việc thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sẽ rất tốt. Nhưng việc thực hiện không nên cứng nhắc, mà phải căn cứ vào thực tiễn, nhất là chất lượng cán bộ cơ sở. Điều cần thiết nhất đối với hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện thí điểm kiêm nhiệm các chức danh, đề xuất nên nghiên cứu để gộp những công việc hiện đang có nhiều chức danh đảm nhiệm thành một chức danh thay vì để quá nhiều chức danh như hiện nay.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị.


Dự báo chính xác tình hình, có giải pháp ổn định lâu dài

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tập trung thực hiện nghiêm túc Đề án số 06-ĐA/TU trong 5 năm qua. Nhờ đó, thành phố đã cơ bản kiện toàn và sắp xếp đồng bộ, khắc phục được tình trạng chồng chéo, bất cập, hạn chế trước đây của các tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Lưu ý một số hạn chế còn tồn tại, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố tiếp tục thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU với tinh thần tập trung hơn, sáng tạo hơn, gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án số 09-ĐA/TU và Kế hoạch số 109-KH/TU, khắc phục những bất cập còn tồn tại. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định mới của Bộ Nội vụ, chủ động tham vấn và xin ý kiến các cơ quan trung ương cơ chế đặc thù của Hà Nội nếu thấy cần thiết, bảo đảm thôn, tổ dân phố có quy mô hộ dân, diện tích hợp lý, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, tập quán, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của từng địa phương, đảm bảo khoa học và hạn chế tối đa việc xáo trộn, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng dân sinh. Ban Cán sự đảng UBND thành phố đồng thời cần phối hợp với Đảng đoàn HĐND thành phố chỉ đạo nghiên cứu giải pháp về cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải dự báo chính xác tình hình, có giải pháp lâu dài, tránh “làm đi, làm lại”, gây xáo trộn, lãng phí.

Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy cần chủ động dự báo, nắm chắc tình hình dân cư ở những khu đô thị mới để chỉ đạo thành lập tổ dân phố, chi bộ và hệ thống chính trị đồng bộ; kịp thời có giải pháp đối với những nơi thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng, chỉ đạo đảng ủy xã, phường, thị trấn xây dựng nghị quyết chuyên đề đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp nhanh chóng khắc phục các thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng, xong trong năm 2019. 

Cho rằng việc thí điểm các mô hình mới như Đề án sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm là rất cần thiết, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị nghiên cứu mở rộng diện thí điểm nội dung này ở một số quận, huyện đặc thù khác. Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng lưu ý các cấp ủy đánh giá vai trò trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không là đảng viên; không nên gò ép, cứng nhắc trong việc khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên.

Đối với Đề án 09-ĐA/TU về “Thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)”, đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đây là vấn đề khó, tác động lớn đến tổ chức, bộ máy. Do đó, các cấp, ngành cần lưu ý quán triệt phương châm thận trọng, chặt chẽ, đánh giá và phân tích một cách biện chứng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, giảm thiểu các tác động trái chiều, có tính khả thi cao, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, tiếp tục góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy bám sát nội dung Đề án của Thành ủy, xây dựng Đề án tổ chức thí điểm các chức danh kiêm nhiệm ở những nơi có đủ điều kiện; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt từng đơn vị trước khi thực hiện. Quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan cấp thành phố cần có sự phối hợp, hướng dẫn sâu sát, giúp đỡ các quận, huyện, thị xây dựng và thực hiện đề án ở địa phương, bảo đảm đúng quy định, phù hợp, hiệu quả, khả thi.

“Việc đổi mới mô hình tổ chức và kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo không chỉ nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà quan trọng là phải phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy” - đồng chí Hoàng Trung Hải nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, các cấp ủy cần coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và các cấp ủy, vai trò của cán bộ, đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.