Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt trọn niềm tin

25/12/2018 06:42

(HNM) - Hôm nay 25-12, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình nghị sự, dự kiến, hội nghị sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; xem xét về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.


Đây là những nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ mới một cách bài bản, toàn diện. Sự nghiêm túc, kỹ lưỡng của Trung ương trong việc xem xét, lựa chọn cán bộ là cơ sở để nhân dân đặt trọn niềm tin.

Tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn

Cho đến trước hội nghị lần này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành đổi mới công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tổ chức cán bộ nói riêng một cách căn bản, toàn diện, tập trung ở khóa XI và từ đầu khóa XII đến nay.

Trước tiên, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Trung ương đã chỉ ra “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, khẳng định sự tồn tại “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI). Bước sang khóa XII, bằng Nghị quyết cũng có số hiệu 04- NQ/TƯ, lần đầu tiên, Trung ương đã nhận diện những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, lượng hóa vấn đề này với 27 biểu hiện cụ thể, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp khắc phục.

Từ ban hành nghị quyết đến triển khai hành động, Trung ương đã kiên trì kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Về mặt “xây”, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo nghiên cứu, bàn sâu và ban hành nhiều văn bản mới, sửa đổi, bổ sung mang tính đồng bộ và hoàn thiện cao về công tác cán bộ. Sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, là các nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII; các quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; về bảo vệ chính trị nội bộ; về luân chuyển cán bộ; về trách nhiệm nêu gương...

Về mặt “chống”, kết hợp chặt chẽ với công tác phòng, chống tham nhũng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo ra sức mạnh tổng hợp như chiếc lò nung ngày càng tăng nhiệt. “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm” là thông điệp đanh thép của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và cũng chính là tinh thần chung của Đảng, là ý nguyện của nhân dân. Bằng kết quả xử lý cụ thể và nghiêm minh, nhất là đối với hàng chục cán bộ cao cấp, Trung ương đã khẳng định không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng và triệt tiêu khái niệm “hạ cánh an toàn” trong công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ chân lý: “... Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Với những gì đã, đang và sẽ làm, Đảng ta hiện nay thể hiện rõ sự tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính, xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân dành cho.

Tầm quan trọng của lá phiếu tín nhiệm

Kết quả đổi mới trên đây tạo ra niềm tin vào sự thành công và những giá trị của những quyết nghị tại Hội nghị Trung ương 9 lần này; đồng thời đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao đối với mỗi đại biểu tham dự.

Đây là lần thứ hai Trung ương Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư sau khi Quy định số 262-QĐ/TƯ ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị về “Việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” được ban hành. Bộ Chính trị, Ban Bí thư là cơ quan lãnh đạo của Đảng. Nên việc lấy phiếu tín nhiệm, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng đề cập: Không phải cốt để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay, mà cốt là để cán bộ thấy sai để sửa, thấy khuyết điểm để rút kinh nghiệm. Vì thế, để việc bỏ phiếu đem lại ý nghĩa quan trọng đó, người bỏ phiếu phải có trách nhiệm và bản lĩnh. Mỗi lá phiếu đều phải phản ánh thực chất, tránh vì nể nang, dĩ hòa vi quý hay tâm lý cào bằng mà để xảy ra trường hợp cán bộ có số phiếu tín nhiệm cao, nhưng sau này lại phát hiện ra nhiều sai phạm.

Tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ xem xét, thảo luận về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Quy trình quy hoạch lần này được tổ chức rất chặt chẽ; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự quy hoạch, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn; ngăn ngừa hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết... Sau khi các địa phương hoàn thành việc giới thiệu nhân sự quy hoạch theo quy trình 4 bước chặt chẽ, khâu quan trọng nhất sẽ được thực hiện ở Trung ương với quy trình gồm 5 bước.

Trong Quy định số 262-QĐ/TƯ, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Những đồng chí có tín nhiệm thấp, tùy theo mức độ sẽ xem xét không quy hoạch chức vụ cao hơn hoặc cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Vì vậy, mức độ tín nhiệm qua lá phiếu tín nhiệm của các Ủy viên Trung ương Đảng sẽ quyết định sự lựa chọn cán bộ lãnh đạo của Trung ương và các cấp ủy trực thuộc Trung ương trong giai đoạn mới. Điều này càng đòi hỏi mỗi Ủy viên Trung ương Đảng nêu cao tinh thần trách nhiệm với mỗi lá phiếu tín nhiệm của mình.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương chắc chắn sẽ thành công, bởi sự lan tỏa của tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị đã định hình thành xu hướng tiến bộ trong Đảng và xã hội.

Tiến sĩ Phan Đăng Khoa
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặt trọn niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.