Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tham nhũng: Cần có các giải pháp đồng bộ

Hà Phong| 26/01/2019 07:16

(HNM) - Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới trong bối cảnh công tác này đang được đẩy mạnh.

Một cuộc hội thảo về Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. (Ảnh: Báo Du lịch)

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 với nhiều điểm mới quan trọng sẽ tạo động lực cho công tác này thời gian tới. Thứ nhất, luật mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư, nêu rõ hành vi nào là tham nhũng trong khu vực tư và việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bổ sung quy định liên quan đến đạo đức kinh doanh trong khu vực tư.

Luật mới cũng sửa đổi chế định kiểm soát tài sản thu nhập. Trong đó quy định cụ thể hơn về hình thức, đối tượng kê khai tài sản thu nhập; căn cứ xác minh. Đáng lưu ý, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có những sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra phát hiện tham nhũng như: Thanh tra, kiểm toán. Trong trường hợp thanh tra, kiểm toán không phát hiện ra vi phạm, nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra thì họ phải chịu trách nhiệm trong việc đã thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện ra vi phạm. Tất cả điểm mới đó đều phục vụ cho việc chống, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn.

Dù có luật mới với cơ chế kiểm tra, giám sát được tăng cường, nhưng để khẳng định đâu là tiền "sạch", đâu là tiền "có vấn đề" còn rất khó khăn. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Văn Kim, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng, trong đó có cả những quan chức. Và nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, có hoạt động minh bạch, nhưng những thông tin phản ánh về khối tài sản bất minh của quan chức cũng không ít.

Thực tế, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: Nguyễn Ðức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Giang Kim Ðạt, Trịnh Xuân Thanh, Hà Văn Thắm… đã được đưa ra xét xử, nhưng việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế. Phần lớn tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán cho nên giá trị tài sản bảo đảm để thi hành án rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản. Lại có trường hợp tài sản bảo đảm thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương, trong khi chưa có cơ chế xử lý đồng bộ. Bên cạnh đó, tài sản của công dân cũng chưa có cơ chế quản lý hiệu quả nên những giao dịch, biến động liên quan đến tài sản, những bất minh trong hoạt động kinh tế, dân sự rất ít được xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật Châu Á cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng mới đã bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Song, luật chỉ quy định những nguyên tắc và biện pháp chung nhất để phòng, chống tham nhũng. Còn các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong từng lĩnh vực cụ thể thì nằm trong các luật cụ thể. Điều đó cũng có nghĩa, để phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần rà soát, bổ sung, khắc phục các lỗ hổng pháp lý trong các luật khác nhằm tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ. Ngoài ra, việc bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố cáo, tố giác đối với hành vi tham nhũng là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tham nhũng: Cần có các giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.