Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấm nhuần tư tưởng “thân dân” của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh

08/02/2019 07:34

(HNM) - Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã có 79 mùa Xuân gắn với biết bao thăng trầm lịch sử cứu nước, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam thời hiện đại.


Giải phóng con người và thực hiện công bằng xã hội là mục tiêu nhất quán

Chiều ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”; đó là một thông điệp lịch sử của một dân tộc vừa trải qua thân phận vong quốc nô hơn 80 năm. Sáng 3-9-1945, Bác Hồ chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người nêu 6 nhiệm vụ cấp bách: (1) Chống “giặc đói”; (2) Diệt “giặc dốt”; (3) Xây dựng chính quyền nhân dân; (4) Bài trừ những thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội (Người gọi là “giáo dục lại tinh thần nhân dân”); (5) Bỏ một số thứ thuế đang đè nặng lên cuộc sống người dân; (6) Thực hiện tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo.

Tết đầu tiên sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã vượt ra ngoài nghi thức của một lãnh tụ quốc gia, hòa mình vào cuộc sống đời thường để quan sát thực tế (cùng Bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội) thăm một người phu kéo xe, thăm một vài viên chức nghèo, thăm một viên chức làm ngân hàng dưới chế độ cũ, thăm người buôn bán và quan lại cũ, thăm cựu Vua Bảo Đại; đặc biệt Người còn cải trang vào đền Ngọc Sơn, qua phố cổ lúc đón giao thừa.

Liên tưởng lại những sự kiện lịch sử nêu trên, liên hệ với “Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ” (năm 1776), “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của nước Pháp (năm 1789), “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” (năm 1848), “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam” (năm 1919), và đặc biệt là “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (năm 1969) có thể thấy những tư tưởng giải phóng con người và thực hiện công bằng xã hội đi trước thời đại đã được Hồ Chí Minh thể hiện một cách nhất quán, bộc trực, đi vào những giá trị nhân bản, nhân văn, nhân đạo và bác ái, mọi chế độ, mọi người có lương tri đều hướng tới, đều phấn đấu hiện thực hóa trong cuộc sống.

Làm theo Bác, Hà Nội tập trung chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP Hà Nội đã định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020), trong 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, có 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nói về công tác chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông thôn, các đối tượng người có công, gia đình chính sách, trong đó nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng, phát triển nông thôn mới theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020, có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với nông dân Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 40-45 triệu đồng/người/năm. Phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Xây dựng nền thể dục, thể thao tiên tiến, nâng cao thể chất người Hà Nội.

Phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh giải quyết việc làm. Bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công và chính sách dân tộc. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội”. Những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên là quyết tâm chính trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược mọi sự phát triển đều nhằm vào con người, lấy con người làm trung tâm và động lực đổi mới, sáng tạo, phát triển. Nhìn lại 3 năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công bài toán về mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô và đạt những kết quả nổi bật.

Về công tác chăm lo người có công, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ hằng năm đối với các ban liên lạc tù chính trị trên địa bàn thành phố; Nghị quyết quy định chính sách đặc thù của thành phố về chế độ điều dưỡng đối người có công với cách mạng từ 80 tuổi trở lên thực hiện hai năm một lần, trong năm không thực hiện chính sách điều dưỡng của trung ương. Năm 2017 và 2018, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho trên 60.800 trường hợp; chi trả trợ cấp cho người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng cho trên 91.000 người với số tiền 3.761 tỷ đồng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe luân phiên tại trung tâm cho 23.201 người có công và giải quyết chế độ điều dưỡng tại nhà cho 52.081 người có công. Trợ cấp 1 lần cho trên 15.000 trường hợp tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 103.702 triệu đồng. Tặng 13.744 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 17.631 triệu đồng. Tu sửa nâng cấp 387 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 251.769 triệu đồng. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), toàn thành phố đã tu sửa, nâng cấp 8.685 nhà ở cho người có công; trong đó xây mới: 4.417 nhà, sửa chữa: 4.268 nhà, hoàn thành việc xây sửa nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí trên 1.244,1 tỷ đồng. Có 184/184 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng...

Về công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định nội dung mức chi thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội; quy định trợ cấp hàng tháng cho người già yếu, ốm đau không có khả năng tự phục vụ và người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động; quy định hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo và người bị bệnh phong trên địa bàn đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội.

Chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống 1,69% (đầu năm 2018) và còn 1,16% vào cuối năm 2018, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020 đặt ra trước 2 năm. Thành phố có 4 quận không còn hộ nghèo gồm: Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân. Cuối năm 2017, thành phố không còn hộ nghèo diện chính sách người có công; không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước 1 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Các quận, huyện, thị xã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Tiếp tục phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nguồn vốn vay ưu đãi của hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, học sinh, sinh viên khó khăn tại các quận, huyện, thị xã. Năm 2017-2018 có 18.205 lượt hộ nghèo, 25.302 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền cho vay là 1.368,2 tỷ đồng.

Thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới. Bảo hiểm xã hội thành phố cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 539.908 lượt người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Kinh phí hỗ trợ cấp thẻ BHYT trên 318,67 tỷ đồng. 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, mức hỗ trợ 49.000 đồng/hộ/tháng theo đúng quy định của trung ương. Năm 2017-2018 đã có 5.143 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, với kinh phí hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa là 275,234 tỷ đồng; ngân sách thành phố ủy thác kinh phí sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay mức 25 triệu đồng/nhà, hộ nghèo không phải trả lãi suất. Riêng năm 2018, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tập trung hỗ trợ 4.166 hộ nghèo cải thiện nhà ở, đạt 103% kế hoạch. Đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát, xét duyệt, trợ cấp hàng tháng cho 189.144 đối tượng bảo trợ xã hội. Các trung tâm bảo trợ xã hội hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng trên 2.600 đối tượng người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng… UBND thành phố đã quan tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân vùng bị thiên tai, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng. Cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho người khuyết tật có nhu cầu và có khả năng tự tham gia giao thông; giảm 50% giá vé xe buýt tháng đối với người cao tuổi…

Mùa xuân Kỷ Hợi 2019, Hà Nội đã dành gần 400 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo có Tết. Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động mang đậm truyền thống thương người như thể thương thân, giang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ trở về quê mẹ Việt Nam thụ hưởng Tết sum vầy, chở che cho những mảnh đời còn thiếu may mắn… đó là những nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về kính dân, trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ và giải quyết căn cơ nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của người dân. Bám sát chủ đề học tập và làm theo Bác Hồ năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống bộ máy công quyền cần lấy sự hài lòng, cải thiện môi trường sống, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân làm thước đo chính trị của các cấp, các ngành. Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu trong công tác chăm lo cho người dân; phải đưa lợi ích xã hội của những người yếu thế vào mục tiêu trong mọi nỗ lực xây dựng văn hóa, con người, phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cải cách hành chính, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong thực hành dân chủ, nhất là ở làng xã, khu phố, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền phải có chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những thắc mắc, bức xúc phát sinh trên địa bàn; từ đó cùng tập thể lãnh đạo, xử lý, giải quyết thấu đáo, hợp lý hợp tình, giải tỏa sự âm ỉ dồn nén bức xúc, tạo đồng thuận xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội. Những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh, nhất là triển khai các dự án trên địa bàn phải thăm dò dư luận xã hội, lấy ý kiến người dân, nếu lòng dân chưa thông thì nên đối thoại, làm sao để người dân thấy lợi ích chung phải được đặt trên hết, song cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng cho người dân. Mối quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với các đối tượng chính sách, đối với những người yếu thế phải thực sự là sự chia sẻ, đồng cảm, tương thân, tương ái, không để dân đói rách, không để dân thất học, không để dân nghèo khổ, không để dân oán thán.

Xưa, khi được vua giao chủ trì việc soạn lễ nhạc cung đình, Nguyễn Trãi từng tâu với vua Lê Thái Tông rằng “Cúi xin bệ hạ thương yêu mà nuôi nấng dân, khiến cho mọi xóm thôn không còn tiếng oán hờn buồn khổ, như thế mới giữ được gốc của nhạc”. Hồ Chí Minh từng dạy, nếu nước nhà độc lập mà dân đói khổ thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ngay sau ngày độc lập, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người có thư “Gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, chỉ rõ: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”. Theo tư tưởng đó, Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng đã xác định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là mô hình và động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu lâu dài, kiên định.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua ngàn vạn mùa xuân, trong đó có không ít mùa xuân cay đắng, quằn quại vì giặc ngoại xâm dày xéo; song nhờ có lòng yêu nước, thương nòi và ý chí tự lập, tự cường, nên dân tộc ta đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, khai mở những ngày xuân rạng rỡ tương lai. Một trong những mùa xuân mãi chói ngời trong sử vàng oanh liệt của dân tộc là mùa xuân Kỷ Dậu 1789 - mùa xuân Quang Trung đại phá quân Thanh, mang lại niềm tự hào và cảm xúc thời đại trong những áng thơ của Ngô Ngọc Du:

Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
“Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”


Thăng Long - Hà Nội đã và đang mang hồn thiêng sông núi từ thuở xa xưa để góp phần làm cho Kinh đô, xã tắc sơn hà mãi mãi vang khúc tráng ca lịch sử trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Hà Nội, Xuân Kỷ Hợi 2019

PGS.TS. Trần Viết Lưu
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấm nhuần tư tưởng “thân dân” của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.