Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ đội biên phòng 60 năm xây dựng và trưởng thành: Điểm tựa lòng dân

Hà Trang - Bảo Hân| 01/03/2019 07:43

(HNM) -

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần (Hà Giang) phổ biến kiến thức mới về nuôi trồng, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.


Món quà lạ và cuộc chia tay bịn rịn

Hành trang chuyển công tác từ Đồn Biên phòng Đồng Văn sang Đồn Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) của Đại úy Vàng Kháy Phỏng là những lời cảm ơn không ngớt của một cặp vợ chồng người Mông (thôn Sì Phài, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn). Sự việc xảy ra cách đây đã 7 năm nên Đại úy Vàng Kháy Phỏng không còn nhớ rõ tên tuổi của họ. Nhưng, hình ảnh người chồng vừa "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ, ngật ngưỡng bên chén rượu, quyết không cho ai vào cứu vợ mình thì anh không dễ quên.

"Khi sự việc xảy ra, bà con đã báo cho Công an thị trấn Đồng Văn nhưng người chồng, trong cơn say đã cố thủ trong nhà, không cho ai vào can thiệp. Cũng may là anh ta nghe lời tôi. Thấy tôi tay không, một mình đi vào nhà, nhiều người lo lắng can ngăn. Nhưng, vì lo cho tính mạng người vợ nên tôi không quản ngại" - Đại úy Vàng Kháy Phỏng nhớ lại.

Bởi cùng là người dân tộc, Đại úy Vàng Kháy Phỏng đã bằng cái lý của người Mông, vừa khuyên nhủ mộc mạc, chân tình, vừa thể hiện thái độ kiên quyết nên đã thuyết phục được người chồng cho đưa vợ đi cấp cứu. Hàng chục ngày sau đó, anh còn giúp người chồng bỏ rượu, lên bệnh viện huyện chăm vợ. Mối quan hệ giữa họ được Đại úy Vàng Kháy Phỏng dần hàn gắn, mỗi ngày thêm bền chặt.

Nếu "món quà" mà Đại úy Vàng Kháy Phỏng mang theo là những lời cảm ơn và sự chia tay lưu luyến của cặp vợ chồng người Mông, thì với Trung úy Đỗ Trọng Tín, từng là Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Xín Mần (huyện Xín Mần, Hà Giang) lại có phần thiên về "vật chất" hơn. "Vào cuối tháng 10-2018, một phụ nữ lớn tuổi, chỉ nặng chừng 35kg, đã leo dốc suốt 5km từ thôn Quán Dín Ngài, xã Xín Mần để lên tận cổng đồn, trao tận tay tôi thúng xôi cùng một con vịt trong dịp lễ "Lúa mới, gạo mới", Trung úy Đỗ Trọng Tín nhớ lại.

Không tự nhiên mà người chiến sĩ biên phòng tuổi đời còn trẻ măng, quê dưới xuôi (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) như Trung úy Đỗ Trọng Tín lại được bà con dân bản yêu mến đến thế. Trong suốt gần 3 năm đóng tại Đồn Xín Mần, anh đã đi bộ ròng rã nhiều ngày trời để kiểm tra, chăm sóc đàn trâu, bò cho các hộ gia đình trong xã Nàn Xỉn. "Mỗi gia đình nằm cheo leo ở một quả đồi, đường vào không có cách gì khác là đi bộ. Phải mất cả ngày thì mới vào được 8 hộ dân" - Trung úy Đỗ Trọng Tín kể. Trong hành trang tuần tra của anh luôn có những gói bánh, gói kẹo để chia cho các em nhỏ trong thôn... Những ngày này, anh vừa nhận quyết định chuyển công tác sang Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) nên trong lòng nhiều quyến luyến. Chính người phụ nữ ngày nào mang xôi và vịt đến tận đồn lại dúi vào tay anh hộp đậu xí, loại gia vị đặc trưng của bà con để mỗi bữa ăn thêm đậm đà, ngon miệng.

Đại úy Vàng Kháy Phỏng hay Trung úy Đỗ Trọng Tín là hai trong số rất nhiều chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang đóng quân trải dài từ Mèo Vạc, Yên Minh sang Quản Bạ, Xín Mần... của Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang ngày ngày nhận được sự tin yêu của người dân. Bởi một lẽ giản đơn, các anh đã trở thành ruột thịt, là người con của mỗi thôn bản. Chiến sĩ mang quân hàm xanh đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nghĩ chung với bà con nên trong mọi việc của gia đình, của thôn xóm, dù lớn hay nhỏ, đều được bà con tin yêu nhờ cậy.

Đại tá Nông Thế Hanh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết, các chiến sĩ thuộc 12 đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn đều nằm ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới... với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, 100% các xã, thị trấn biên giới đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Một số thôn, xóm, tỷ lệ người dân được sử dụng internet ngày càng tăng. Trụ sở các xã, thị trấn biên giới, trường học, trạm y tế, đều đã được đầu tư nâng cấp và xây dựng cơ bản.

Không chỉ có Bộ đội biên phòng Hà Giang, những năm qua, Bộ đội biên phòng cả nước đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hình thành trung tâm cụm xã ở các xã biên giới, hải đảo..., góp phần xây dựng được hàng nghìn làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa, tăng cường củng cố khối đoàn kết các dân tộc.

Không quản ngại từ việc nhỏ đến việc lớn

"Có nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của bà con thì mới tác động được và giúp họ thay đổi cuộc sống, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo". Với suy nghĩ như vậy, Thiếu tá Phạm Văn Bằng, Đồn Biên phòng Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), sau một thời gian ăn cùng, ở cùng gia đình vợ chồng anh Nguyễn Xuân Hợp, dân tộc Tày ở thôn Tà Chải, đã giúp họ thoát cảnh đói nghèo đeo đẳng. Thiếu tá Phạm Văn Bằng đã chủ động tự học nhiều kiến thức nông nghiệp, rồi giúp anh Hợp và bà con trồng thêm giống cây mới, nuôi thêm bò, lợn. Anh cũng không quản ngại lên nương thu hoạch khi vào mùa vụ hay đôn đáo đi tìm đàn trâu nhà anh Hợp bị lạc...

Thấy vợ chồng anh Hợp còn trẻ, không những quyết tâm thoát nghèo mà còn hăng hái tham gia công việc của thôn, xã nên Thiếu tá Phạm Văn Bằng đã khuyến khích họ tham gia đảm nhiệm nhiều trọng trách. Anh Hợp hiện là một công an viên năng nổ, còn vợ anh là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã rất tích cực. Cả hai cùng tham gia tổ hòa giải trong xã, trở thành các hòa giải viên có uy tín, giải tỏa mọi mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống của bà con.

Không chỉ tích cực tham gia củng cố quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại nhiều vùng biên giới, hải đảo xa xôi của Tổ quốc, nhờ sự vào cuộc của các chiến sĩ canh giữ nơi biên cương, hàng loạt các chương trình như đồng hành cùng phụ nữ biên cương; phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; chống buôn bán ma túy, tiền giả, phụ nữ và trẻ em qua biên giới... đã phát huy hiệu quả.

Suốt 60 năm qua, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng luôn in đậm trong lòng dân. Nơi đầu sóng ngọn gió hay vùng núi cao xa xôi, các anh đã và đang kề vai sát cánh, trở thành chỗ dựa vững chắc của bà con. Nhân dân vùng biên giới cũng là lực lượng hùng hậu, mạnh mẽ, luôn sát cánh cùng chiến sĩ biên phòng trên mỗi bước đường tuần tra, tự quản từng đường biên, bảo vệ từng cột mốc... giữ vẹn toàn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ đội biên phòng 60 năm xây dựng và trưởng thành: Điểm tựa lòng dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.