Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị: Nhu cầu bức thiết

Hiền Thu| 18/03/2019 06:21

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã khẩn trương xây dựng bài bản, nghiêm túc “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” với nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết đặt ra từ thực tiễn.



Với tốc độ phát triển, đô thị hóa nhanh, Hà Nội rất cần một mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả hơn. Ảnh: Viết Thành


Bài 1:“Chiếc áo” chật

Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, cơ sở hạ tầng không tương xứng, được ví như "chiếc áo" chật, đã và đang gây áp lực đối với nhiều phường thuộc các quận trung tâm của thành phố Hà Nội. Thực tế đó đòi hỏi sớm có mô hình quản lý phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giải quyết các vấn đề phức tạp của đô thị hiện nay.

Nhiều bất cập trong thực thi công việc ở cơ sở

Hiện trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Những năm gần đây, mật độ dân cư tại một số phường gia tăng nhanh chóng, dẫn đến quá tải hạ tầng đô thị và khiến công tác quản lý địa bàn của chính quyền sở tại gặp không ít thách thức. Điển hình như phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), hiện có trên 4 vạn dân, nhưng với nhiều khu nhà ở cao tầng đang tiếp tục được xây dựng thì dân số phường này dự báo có thể lên tới trên 8 vạn trong 10 năm tới.

Trong khi đó, phường Phúc La (quận Hà Đông) có khoảng 1,7 vạn dân (năm 2011) thì năm 2016 đã lên tới 3 vạn người. Tuy nhiên, hai phường Vĩnh Tuy và Phúc La vẫn kém xa quy mô dân số của phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Một loạt dự án nhà cao tầng mọc lên khiến phường này hiện có tới 9 vạn dân sinh sống, dẫn tới trường học quá tải nặng nề cũng như thiếu trầm trọng công trình phúc lợi công cộng khác.

Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể lên tới khoảng 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng dân số như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực. Quy mô dân cư tăng nhanh, những vấn đề lớn như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu hạ tầng an sinh xã hội… luôn là nỗi "đau đầu" thường trực của chính quyền từ cơ sở đến thành phố.

Trong khi đó, thời gian qua, các phường, xã, thị trấn tại Hà Nội thực hiện công tác quản lý địa bàn theo đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Tại nhiều cuộc họp, không ít ý kiến từ cơ sở cho thấy, bộ máy chính quyền hiện chưa phát triển tương xứng, đòi hỏi cần thiết phải có cách quản lý đặc thù, khác biệt giữa chính quyền ở đô thị và chính quyền ở nông thôn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Phan Thanh Vĩnh cho biết: Hoạt động giám sát của HĐND phường trên cơ sở kiến nghị của nhân dân tại các khu chung cư, tái định cư đã chỉ ra được những hạn chế, song việc kiến nghị với cấp trên và đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị của nhân dân còn chậm, gây bức xúc cho nhân dân. Điển hình là trên địa bàn phường Trung Hòa có Khu đô thị Nam Trung Yên còn những tồn tại về thang máy, phòng cháy, chữa cháy… nhưng chưa được giải quyết dù đã được khảo sát nhiều lần.

Ông Lê Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) khẳng định, hoạt động của HĐND cấp phường và tương đương hiện nay có phần trùng lắp với hoạt động của HĐND cấp quận. Nếu tiếp tục duy trì thì lãng phí nhân lực và tài chính, chuyển giao về cho HĐND cấp quận đảm nhiệm thì sẽ phù hợp hơn. Đối với hoạt động của UBND cấp xã, phường, lãnh đạo nhiều phường thuộc các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… cho rằng, khối lượng công việc hằng ngày của công chức rất lớn.

Nêu những vấn đề thực tế trên địa bàn, bà Vũ Mai Khanh, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) cho biết: Văn Miếu là phường rất "nóng" về đô thị, an ninh trật tự, vì trên địa bàn vừa có ga tàu, vừa có chợ, rất nhiều chùa… nhưng lại ít cán bộ nên với nhiều việc khó đành “bó tay” không giải quyết được. Phường hiện có 21 cán bộ, nhân viên (trong đó, biên chế 14, nhân viên 4, cán bộ bán chuyên trách 3). Nhiều công việc chuyên môn (vệ sinh an toàn thực phẩm, tôn giáo, dân tộc, quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, quản lý hạ tầng…) không có cán bộ chuyên trách. “Số lượng công chức chuyên môn còn quá ít so với khối lượng công việc được giao cho cấp phường” - bà Khanh khẳng định.

Đồng quan điểm này, nhiều lãnh đạo các đơn vị cũng cho rằng, giao chỉ tiêu biên chế cho các quận nên xem xét tính chất công việc, quy mô dân số và diện tích quản lý. Các quận đô thị lõi chịu áp lực về hạ tầng, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh… rất khác so với địa bàn nông thôn thì số lượng biên chế nên có ưu tiên. Tuy nhiên, vấn đề này đang "tắc"...

Cần phân cấp công việc, tinh gọn bộ máy

Đề xuất cách thức để chính quyền phường hoạt động hiệu quả hơn, Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa Hoàng Thị Phương Ngọc cho rằng, nên bỏ qua cấp trung gian để dành chỉ tiêu cho công chức cấp phường mà vẫn bảo đảm được việc tinh giản biên chế. Dẫn thực tế hiện quận Đống Đa có 21 phường, 282 chi bộ, 905 tổ dân phố, theo đó có 5.900 cán bộ cơ sở (gồm: Trưởng ban, phó trưởng ban công tác mặt trận, bí thư, phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng, chi hội phó các hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Khuyến học, Người cao tuổi, Thanh niên xung phong, Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên... ), bà Ngọc nhận định: "Chúng ta đang dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ hằng tháng với số lượng 5.900 người này, dù số tiền dành cho mỗi người không lớn nhưng tổng kinh phí là rất lớn".

Tốc độ gia tăng dân số cơ học và phương tiện cá nhân cao gây áp lực lớn cho công tác quản lý đô thị tại thành phố. Ảnh: Thế Anh


Bên cạnh đó, vấn đề phân cấp quản lý cho chính quyền phường cũng đang là vấn đề được quan tâm. Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Vũ Mai Khanh cho biết thêm, hiện phường không được thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được phân cấp trong việc xử phạt trong lĩnh vực xây dựng do một số điểm còn “vênh” giữa các luật, nghị định.

Khẳng định trên địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, song quy trình thành lập tổ dân phố mới theo quy định hiện hành còn khó khăn, ông Phan Thanh Vĩnh (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) mong muốn thành phố phân cấp cho cấp quận được quyền quyết định về việc lập tổ dân phố mới.

Ông Chu Tuấn Anh, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) cho rằng: “Phân cấp ít thì sự sáng tạo sẽ bị hạn chế nhiều. Cấp phường vốn chỉ thực hiện theo chỉ tiêu phân bổ của quận, nếu như có sự phân cấp mạnh thì cấp phường mới có sáng tạo, sáng kiến riêng”.

Cùng đó, ông Chu Tuấn Anh cũng cho rằng, đối với khối UBND thì cần ưu đãi hơn đối với cán bộ chuyên trách, tương xứng với nhiệm vụ được giao. Nếu một người đảm nhiệm 2-3 đầu công việc thì phải trả lương cao, có chính sách ưu đãi để giữ được cán bộ.

Nhìn chung, lãnh đạo các phường đều cho rằng, khi giao thêm quyền hạn cho UBND phường thì nên trao quyền cho Chủ tịch UBND phường trong việc chủ động tuyển chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức giúp việc.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Anh Tuấn, để nâng cao chất lượng công tác quản lý thì yếu tố con người vẫn là khâu quan trọng, then chốt. Để có được mô hình quản lý đô thị phù hợp, hiệu quả thì ngay từ bây giờ các cơ quan, ban, ngành liên quan đến công tác cán bộ phải xây dựng lộ trình thực hiện để bảo đảm chuẩn bị đầy đủ đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị: Nhu cầu bức thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.