Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Công phu, bài bản, khoa học, trách nhiệm cao

Võ Lâm| 19/03/2019 07:08

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã thực hiện quá trình xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” một cách công phu, bài bản, khoa học và với tinh thần trách nhiệm cao trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.

Hội thảo Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, thị xã và đề xuất các giải pháp đổi mới chính quyền đô thị ở các quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Ảnh: Khuê Diệp


Công phu, bài bản, khoa học

Ngay sau khi Kết luận số 22-KL/TƯ của Bộ Chính trị được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, một số đồng chí là lãnh đạo các bộ, ban, ngành của trung ương; thành lập Tổ soạn thảo Đề án. Tinh thần khẩn trương, quyết tâm để được thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội đã được thể hiện rõ ngay từ những bước đi đầu tiên.

Chỉ đạo sát sao quá trình xây dựng Đề án, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo đã quán triệt ngay từ đầu: “Mục tiêu của thành phố là xây dựng Đề án phải có tính khả thi và bảo đảm hiệu quả. Quản lý theo mô hình chính quyền đô thị là mong muốn chính quyền đô thị Hà Nội hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân đặt ra, của đô thị đặt ra”.

Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Đề án đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát trực tiếp tại các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trong thành phố; phối hợp với các cơ quan tư vấn, các nhà khoa học, các chuyên gia, các sở, ban, ngành của thành phố triển khai xây dựng 8 chuyên đề. Thành phố Hà Nội tổ chức 8 hội thảo, trong đó có 4 hội thảo tham gia ý kiến vào các nội dung của 8 chuyên đề; 4 cuộc hội thảo xin ý kiến 30 quận, huyện, thị xã và cán bộ chủ chốt của 584 xã, phường, thị trấn về các nội dung của Đề án. Hà Nội cũng đã lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; lấy ý kiến của các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các bộ, ban, ngành trung ương; Ý kiến đóng góp của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ.

Không chỉ vậy, Đề án còn là kế thừa kinh nghiệm xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; kết quả thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Đề án còn tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới.

Theo dõi quá trình triển khai và là người sớm đóng góp ý kiến cho Đề án, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Dự thảo Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cho thấy quá trình nghiên cứu, xây dựng nghiêm túc, công phu. Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận các phương án, giải quyết tốt các vấn đề đặt ra”.

Bảo đảm tính khả thi khi thực hiện

Đến nay, sau quá trình xây dựng bằng tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, Dự thảo “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” đã được hoàn thành, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo, sẵn sàng trình Bộ Chính trị xem xét.

Đề án được kết cấu thành bốn phần. Phần thứ nhất là "Sự cần thiết; căn cứ vào cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng Đề án". Phần thứ hai là "Thực trạng tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội". Phần thứ ba là "Định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội". Phần thứ tư là "Tổ chức thực hiện Đề án". Tại mỗi phần đều toát lên tính khoa học, toàn diện khi từng vấn đề nêu ra được lý giải bằng các luận cứ khoa học cụ thể; vừa đậm chất thực tiễn, vừa vững chắc về lý luận và căn cứ pháp luật.

Đáng chú ý, nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội tập trung vào hai nhóm nội dung chủ yếu. Thứ nhất là nâng cao tính tự chủ cho chính quyền thành phố trong các quyết định quản lý và phát triển đô thị bằng việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương. Với nhóm nội dung này, Hà Nội nêu đề xuất cụ thể phân ra ba nhóm gồm các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; các bộ và cơ quan ngang bộ. Tổng cộng có 41 đề xuất được nêu ra.

Thứ hai là nhóm nội dung thiết kế, xây dựng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong khu vực các quận tinh gọn và quản lý phù hợp, bảo đảm việc quản lý nhà nước tập trung, thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, có hiệu lực, hiệu quả cao; giảm bớt các tầng nấc trung gian... Với nhóm nội dung này, Hà Nội dự kiến đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và một cấp hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và cấp xã) ở khu vực nông thôn.

Để thực hiện các nội dung thí điểm trên, Đề án đã trình bày các luận cứ khoa học và đề xuất các giải pháp, trước tiên là đổi mới các cơ chế, phương thức hoạt động của HĐND, UBND các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền đô thị thành phố theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập, hiện đại, có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ giỏi.

Thứ hai là các giải pháp nhằm triển khai chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hướng tới kinh tế tri thức, kinh tế số. Thứ ba là các giải pháp củng cố chính quyền nông thôn tại xã, thị trấn. Thứ tư là các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị.

(Còn nữa)

Mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và một cấp hành chính tại phường ở khu vực đô thị được nêu trong dự thảo Đề án được hiểu như sau:

- Tổ chức chính quyền thành phố gồm HĐND và UBND thành phố cơ bản giữ nguyên như hiện nay (có thể điều chỉnh các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố).

- Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã vẫn là một cấp chính quyền đầy đủ (có HĐND, UBND) nhưng được phân cấp mạnh, tăng đại biểu HĐND chuyên trách, cơ cấu lại tổ chức các phòng, ban cho hiệu quả. 

- Tổ chức chính quyền các phường thuộc quận sẽ không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính phường hoạt động theo chế độ tập thể, nhưng đề cao thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của chủ tịch ủy ban hành chính trong quản lý điều hành hành chính. Ủy ban hành chính phường chịu sự giám sát trực tiếp của cấp ủy, HĐND và đại biểu HĐND quận; đồng thời chịu sự giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.

Mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và cấp xã) ở khu vực nông thôn được hiểu là ngoài hai cấp thành phố và cấp huyên, thị xã tương tự như trên, tại xã, thị trấn thuộc huyện; xã, phường thuộc thị xã Sơn Tây, tổ chức cấp chính quyền vẫn đầy đủ gồm có HĐND và UBND như hiện nay nhưng gắn với thực hiện năm nhóm giải pháp để củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động như: Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ; chức danh cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách; cơ chế tuyển dụng, quản lý; cải cách hành chính...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Công phu, bài bản, khoa học, trách nhiệm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.