Theo dõi Báo Hànộimới trên

HĐND thành phố Hà Nội: Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả

Việt Tuấn| 23/03/2019 06:35

(HNM) - Điểm nhấn trong hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội thời gian qua là hoạt động giám sát, khảo sát tập trung vào những “điểm nóng” dư luận đang quan tâm. Cùng với đó, công tác tiếp xúc cử tri được thực hiện nghiêm túc, cho thấy hoạt động của HĐND thành phố đã thật sự đổi mới, hiệu quả, vì dân.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng các phiên giải trình, chất vấn, được cử tri Thủ đô đánh giá cao. Ảnh: Mạnh Hùng


Bài đầu: Đổi mới, hiệu quả, vì dân

Điểm nhấn trong hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội thời gian qua là hoạt động giám sát, khảo sát tập trung vào những “điểm nóng” dư luận đang quan tâm. Cùng với đó, công tác tiếp xúc cử tri được thực hiện nghiêm túc, cho thấy hoạt động của HĐND thành phố đã thật sự đổi mới, hiệu quả, vì dân.


Chủ động vào cuộc sớm

Đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 7 kỳ họp trong nhiệm kỳ 2016-2021, với điểm mới là Thường trực HĐND thành phố chủ động chuẩn bị từ rất sớm nội dung và phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp trong công tác chuẩn bị kỳ họp. Nội dung các kỳ họp được lựa chọn trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và những vấn đề đang được nhân dân Thủ đô quan tâm. Vì vậy, các kỳ họp luôn diễn ra sôi nổi, thiết thực; các nghị quyết đều được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao, đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Đơn cử như Nghị quyết về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực…

Cùng với đó, hoạt động chất vấn và phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố trong nhiệm kỳ này có nhiều điểm mới. Đó là Thường trực HĐND chỉ đạo các ban HĐND phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội khảo sát và thực hiện phóng sự về các nội dung dự kiến chất vấn; tại phiên chất vấn, có chiếu phóng sự phản ánh vấn đề thay vì đọc báo cáo, để đại biểu có nhiều thời gian chất vấn.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, việc sử dụng hình ảnh trực quan, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm tạo không khí trao đổi sôi nổi. Đối tượng trả lời chất vấn, bên cạnh lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành còn có thêm chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã tham gia. Các ý kiến trả lời đều nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình giải quyết.

Gần đây, phiên giải trình về thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn Thủ đô để lại nhiều ấn tượng với cử tri. Đã có 16 đại biểu đặt câu hỏi, 16 lượt ý kiến giải trình của các cơ quan liên quan, trong đó 3 chủ tịch UBND xã, phường tham gia giải trình. Đặc biệt là sau đó đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thái độ giao tiếp, thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ hai đơn vị cơ sở phải giải trình là phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) và xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai).

Qua theo dõi các phiên họp, các cử tri Đinh Văn Phúc (C4, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân), Dương Văn Chi (phố Ngô Gia Khảm, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) nhận xét, những thông tin được đưa ra tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND thành phố rất thẳng thắn, không né tránh. Trong đó, nội dung chất vấn, giải trình về công tác quản lý đất đai; phòng cháy, chữa cháy; quản lý trật tự đô thị và xây dựng; văn hóa ứng xử nơi công cộng... nêu rõ bức tranh toàn cảnh. Đặc biệt, việc tiếp thu, giải trình thêm của lãnh đạo UBND thành phố cũng rất cầu thị. Điều này cho thấy rõ tính hiệu quả và cách làm đúng hướng của HĐND thành phố, tạo điều kiện cho cử tri theo dõi, giám sát trực tiếp.

Giám sát đến cùng sự việc

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khảo sát công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt


Những năm gần đây, HĐND thành phố đã giám sát đến cùng các vấn đề cử tri quan tâm. Tiêu biểu như đợt giám sát về: Tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. “Kết quả giám sát nội dung trên là tiền đề quan trọng để Thường trực HĐND thành phố tổ chức thành công phiên giải trình lĩnh vực này. Qua đó, UBND thành phố đã xem xét thu hồi 8 dự án với diện tích 19ha và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách 47 dự án đủ điều kiện thực hiện thu hồi thời gian tới. Thành phố đã hoàn thành việc thu hồi đối với 22 dự án, để dành nguồn lực xây dựng hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế Thủ đô” - Bí thư Thị ủy Sơn Tây, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai thông tin.

Cách làm của HĐND thành phố trong hoạt động giám sát là ban hành kế hoạch giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND, trong đó ấn định rõ lộ trình, không trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa điểm, thời gian giám sát; không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị là đối tượng giám sát. Sau mỗi cuộc giám sát, các báo cáo đều được gửi Thành ủy, thông báo đến UBND thành phố và các cơ quan liên quan; công bố công khai trên báo chí và Trang thông tin điện tử của HĐND thành phố để nhân dân biết và tham gia giám sát...

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, bên cạnh giám sát, việc theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện kết luận sau giám sát, khảo sát cũng được chú trọng. Đã có 59% kiến nghị của HĐND được UBND thành phố triển khai có kết quả và hiện hơn 40% kiến nghị đang được các cấp thực hiện. Không chỉ Thường trực và các ban HĐND thành phố giám sát, các tổ đại biểu HĐND thành phố ứng cử tại các địa phương cũng tích cực tham gia, xử lý những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.

Ngoài ra, công tác tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; công tác bảo vệ môi trường... được HĐND thành phố tổ chức có chất lượng. Sau hội nghị, 39 kiến nghị của cử tri các địa phương được Thường trực HĐND thành phố chuyển đến UBND thành phố để chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Đây là dịp để đại biểu nắm bắt, tiếp nhận thông tin chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực và rất cần được nhân rộng.

(Còn nữa)

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND thành phố đã ban hành 97 nghị quyết thường kỳ và chuyên đề; tổ chức thành công 3 phiên giải trình và hàng trăm đợt giám sát, khảo sát chuyên đề. Trong đó, năm 2018, đã tổ chức thành công 2 kỳ họp, ban hành 30 nghị quyết; tổ chức 2 phiên giải trình; tổ chức 46 đợt giám sát chuyên đề. Ngoài ra, các tổ đại biểu ứng cử tại các địa phương còn tổ chức 21 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, tham gia 123 cuộc tiếp xúc với cử tri; 370 cuộc tiếp công dân...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
HĐND thành phố Hà Nội: Đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.