Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội sẽ quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn

Phong Thu| 05/04/2019 13:32

(HNMO) - Ngày 5-4, tiếp tục chương trình làm việc của hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).


Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 6 chương, 106 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.


Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, đầu tư công là vấn đề rất quan trọng của đất nước. Tổng mức đầu tư không quan trọng bằng tiền đó đầu tư vào việc gì. Vì vậy, Quốc hội nên quyết định toàn bộ về mức đầu tư và danh mục đầu tư.

“Không nên quá chú trọng vào tổng số tiền dự án là bao nhiêu mà quan trọng là dự án đó giải quyết vấn đề gì cấp bách trong thực tiễn”, ông Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cũng đề nghị giữ nguyên quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có các dự án đầu tư. Trách nhiệm của Chính phủ là phải trình lên Quốc hội danh mục dự án đầu tư công cụ thể theo đúng tiến độ...

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang, một số căn nguyên làm hiệu quả đầu tư công kém trong thời gian qua chưa được đề cập rõ trong lần sửa đổi này. Cụ thể như: Việc đầu tư dàn trải; thiếu tính đồng bộ; nhiều dự án đội vốn gấp nhiều lần lúc ban đầu...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề cập nhiều tới vấn đề phân cấp, phân quyền; những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: "Quốc hội sẽ quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Có thể Quốc hội sẽ ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng có thể có nội dung ủy quyền cho Chính phủ. Việc đó do Quốc hội quyết định".

Về việc phân cấp, dự án nào liên quan đến danh mục của trung ương thì trung ương quyết định; dự án có sự hỗ trợ của trung ương nhưng vốn do địa phương đầu tư thì thuộc cấp ngân sách nào sẽ do HĐND cấp đó quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh lại dự thảo, báo cáo Chính phủ để trong phiên họp thứ 33 (diễn ra trong tháng 4-2019), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.

* Chiều cùng ngày, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. 

Khẳng định cử tri còn bức xúc về vấn đề dạy thêm, học thêm nhiều dẫn đến quá tải, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong dự thảo không nêu là không được dạy thêm mà chỉ nêu là cấm ép học sinh học thêm là chưa khái quát được các hành vi cấm. Đại biểu đặt câu hỏi: “Nếu đã thực hiện việc dạy học có chất lượng và hiệu quả thì có cần học thêm nữa hay không?”


Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định: “Giờ học thêm thì dạy kiến thức chính, giờ học chính lại dạy kiến thức khác là thực trạng ở nhiều trường, địa phương. Điều này dẫn tới không cần ép mà con em vẫn phải đăng ký học thêm”. 

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, vấn đề xã hội hóa giáo dục còn có sự khác nhau giữa các địa phương trong thực hiện và chưa thu hút mạnh mẽ nguồn lực. Đặc biệt là ranh giới giữa xã hội hóa và lạm thu trong trường học còn mong manh nên cần có chế tài, cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau 2 buổi thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã thu được 26 ý kiến. Khẳng định đây là dự án luật lớn và có ý nghĩa quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo, giải quyết được các vấn đề bức xúc, tồn tại của giáo dục. Trong luật cần khái quát đưa vào được các hành vi cần phải nghiêm cấm trong hoạt động giáo dục... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội sẽ quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.