Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể hiện vai trò là địa chỉ tin cậy của công nhân, lao động

Võ Lâm - Ảnh: Hữu Tiệp| 19/04/2019 09:12

(HNMO) - Sáng 19-4, Đoàn giám sát số 1 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiểm tra, giám sát chuyên đề năm 2019 đối với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đồng chủ trì buổi làm việc. Tham dự còn có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến.

Quang cảnh buổi làm việc.


Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý trực tiếp 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 8.330 công đoàn cơ sở và hơn 605.000 đoàn viên công đoàn. Trong đó, có 4.826 công đoàn cơ sở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (chiếm 57,94%) với 382.121 đoàn viên (chiếm 63,11%).

Báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố khẳng định, tư tưởng của công nhân, viên chức, lao động thành phố nhìn chung ổn định, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Những năm qua, công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất rất an tâm, phấn khởi vì luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn, nhất là trong các dịp lễ, Tết... Sau Tết Nguyên đán, 98% công nhân lao động quay trở lại làm việc.

Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố đã đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. 

Tuy nhiên, Liên đoàn Lao động thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế: Chất lượng thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và tổ chức hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp nhiều nơi còn hình thức; tỷ lệ doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc còn thấp; vai trò tham gia quản lý, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở một số nơi chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao... 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn gần 70.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên với tổng số tiền 973 tỷ đồng.

Thay mặt công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến đã nêu 16 kiến nghị, đề xuất với các cơ quan trung ương và thành phố. Đáng chú ý, Hà Nội kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 cần nghiên cứu quy định về đình công cho phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu ban hành Luật Tố tụng lao động để giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động...

Đổi mới nhanh hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn 

Sau khi nghe các đại biểu trao đổi, thảo luận, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá cao vai trò của các cấp công đoàn Hà Nội với công việc chung của thành phố; bảo vệ quyền lợi chính đáng, góp phần tạo lòng tin, ổn định tư tưởng lực lượng công nhân, viên chức, lao động; là nòng cốt thực hiện các chủ trương mới như phát triển tổ chức Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước...


Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc.


Nhấn mạnh hoạt động công đoàn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, trước nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên..., Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng, điều quan trọng nhất phải thấy được là vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công đoàn Thủ đô với công việc chung của thành phố và công đoàn cả nước. Kết quả công tác tốt của công đoàn Thủ đô sẽ tạo ra sức lan tỏa, có ý nghĩa quan trọng. Do đó, Liên đoàn Lao động thành phố phải phấn đấu đi đầu, trước hết là xây dựng quyết tâm chính trị, tích cực đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, thể hiện vai trò, vị thế là địa chỉ tin cậy của công nhân lao động.

Đồng chí Đào Đức Toàn khẳng định, Thành ủy Hà Nội với chức trách, nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Liên đoàn Lao động thành phố hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động năm 2018 của thành phố Hà Nội góp phần quan trọng vào kết quả chung của công đoàn cả nước.

Đồng chí cũng cảm ơn sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đối với các hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động thành phố những năm qua. Lãnh đạo thành phố thường xuyên đối thoại, có cơ chế, chính sách quan tâm, chăm lo kịp thời công nhân lao động.

Lưu ý bối cảnh, tình hình năm 2019 đặt ra nhiều thách thức, nhất là trước sự cạnh tranh khi thực hiện Hiệp địch Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng chí Bùi Văn Cường đề nghị, thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đổi mới nhanh hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ; thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động; để người lao động thấy được lợi ích của mình khi tham gia công đoàn. 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu, Liên đoàn Lao động thành phố tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII; cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp với từng cấp công đoàn, từng loại hình tổ chức công đoàn cơ sở. Các cấp công đoàn thành phố tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát cơ sở, đồng hành gắn bó mật thiết với công nhân lao động; tăng cường tập hợp công nhân lao động; phủ kín tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên như chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện vai trò là địa chỉ tin cậy của công nhân, lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.