Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa cần thiết điều chỉnh tiêu chí về mức đầu tư của dự án quan trọng quốc gia

Hà Phong| 09/05/2019 19:43

(HNMO) - Chiều 9-5, tiếp tục phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải báo cáo tại phiên họp.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, có ý kiến cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay không phát sinh vướng mắc trong thực hiện.

Song, Chính phủ nêu quan điểm, tại thời điểm thông qua Luật Đầu tư công (năm 2014) đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chi ngân sách cho đầu tư phát triển đều tăng, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Để bảo đảm phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời, bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có thể được áp dụng phù hợp trong dài hạn, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiêu chí về mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng).

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu nêu quan điểm chưa thực sự cần thiết điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia. Vì cho đến nay, chỉ có 2 dự án trình Quốc hội, không có vướng mắc gì về mức vốn.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần xem lại khái niệm đầu tư công trong mối tương quan với khái niệm tại các luật liên quan khác; xem xét thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tránh xung đột, vướng mắc.


Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 20-5-2019. Trong 20 ngày làm việc, Quốc hội dành thời gian đáng kể cho công tác xây dựng pháp luật; giám sát tối cao; xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, những tháng đầu năm 2019; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn; cho ý kiến vào các nội dung quan trọng khác…

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, thời gian chất vấn là 2,5 ngày; không bố trí làm việc ngày thứ bảy để dành thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc dự phòng trong trường hợp có nội dung xét thấy cần thiết phải tăng thời gian thảo luận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa cần thiết điều chỉnh tiêu chí về mức đầu tư của dự án quan trọng quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.