Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Theo Phan Phương (TTXVN)| 19/05/2019 19:34

Chiều 19-5, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 13 thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).


Khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực khá rộng với các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động tới tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động.

Từ năm 1994 đến nay, Bộ luật Lao động đã tạo lập các chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện lao động cơ bản và từng bước thiết lập hành lang pháp lý, đặt nền móng cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đồng thời, Bộ luật cũng quy định việc giải quyết tranh chấp lao động, xử lý đình công, xây dựng hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về lao động, tăng cường thanh tra lao động.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh, việc sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng, bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng hội nhập quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh khẳng định, việc trình Quốc hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) ngay tại Kỳ họp thứ bảy này thể hiện việc tôn trọng, tuân thủ cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định đã ký kết, phê chuẩn; đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị, sự nhất quán của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế.

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành). Tại phiên họp, nhiều nội dung trong dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của dư luận đã được các đại biểu tập trung thảo luận như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ 60 tuổi…

Liên quan đến quy định về tuổi nghỉ hưu, qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tờ trình của Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ; tuy nhiên, chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (2 tuổi) từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất.

Bên cạnh đó, khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau. Thực tế hiện nay, một số văn bản pháp luật đang quy định tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng điều chỉnh của mình khác với Bộ luật Lao động.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; tác động đối với người lao động, gồm cả nhóm được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn.

Chính phủ cần dự liệu phản ứng của dư luận xã hội để có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của người lao động, người sử dụng lao động, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm lựa chọn được phương án phù hợp và tối ưu.

Đối với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, để hài hòa lợi ích các bên trong quan hệ lao động, hướng tới các giá trị việc làm bền vững, cần giải quyết triệt để mối quan hệ giữa tiền lương và thời giờ làm việc.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động tiêu cực, cân nhắc kỹ lưỡng về mức lương lũy tiến khi làm thêm giờ để vừa bảo đảm thu nhập và tái sản xuất sức lao động. Mặt khác, người sử dụng lao động phải cân nhắc giữa chi phí tài chính và hiệu quả của việc sử dụng lao động làm thêm giờ so với tuyển dụng lao động mới.

Tại phiên họp, các nội dung liên quan đến tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thời gian nghỉ Tết âm lịch; việc bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7); về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.