Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Phong Thu| 23/05/2019 06:51

(HNM) - Tiếp tục kỳ họp thứ bảy, ngày 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và ở hội trường về những nội dung quan trọng.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Viết Thành


* Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Chính phủ; đánh giá cao việc điều hành linh hoạt của Chính phủ và những thành tựu đạt được. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan của những thành tựu; làm rõ những yếu tố tích cực, có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt hơn cho công tác điều hành năm 2019 và các năm tiếp theo…

* Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Phiên thảo luận đã có 19 ý kiến phát biểu, 5 đại biểu tham gia tranh luận. Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là tổ chức cho phạm nhân lao động (Điều 33) và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân (Điều 34).

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng tại Khoản 3, Điều 33 mới quy định trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của trại giam, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động...

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh: Nhật Nam


Về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân (Điều 34), đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị quy định rõ tỷ lệ phần trăm phân bổ cho từng mục, nội dung cụ thể. Trong đó cần tăng tỷ lệ chi cho công lao động của phạm nhân, bồi dưỡng làm thêm giờ, ngày thứ bảy, chủ nhật.

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình việc tổ chức cho phạm nhân lao động, nhất là việc lao động ngoài trại giam. Đại biểu đặt ra các câu hỏi: Dự thảo luật giao cho trại giam quyền được đưa nạn nhân ra khỏi nơi giam giữ là theo quy định nào? Trại giam chịu trách nhiệm cụ thể là ai?...

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) dẫn chứng Bộ luật Hình sự và cho rằng, doanh nghiệp không phải là cơ sở giam giữ nên việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là vượt quá quy định tại Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, có đại biểu băn khoăn về yếu tố công bằng, tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp sử dụng lao động là công dân bình thường với người đang bị kết án.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, “điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam” là cơ sở dạy nghề cho phạm nhân. Điểm lao động, dạy nghề khi xây dựng đều đã có sự thống nhất giữa trại giam, doanh nghiệp, chính quyền cơ sở... và vẫn thuộc phạm vi giam giữ của trại giam, mẫu thiết kế cũng phù hợp với trại giam chứ không phải như bên ngoài xã hội. Phạm nhân khi lao động ở đây đều phải tuân thủ các quy định về giam giữ như trong trại giam.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được chuẩn bị công phu và khá kỹ. Tuy nhiên, do một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cùng Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận nhiều nội dung quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.