Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ bảy sẽ hấp dẫn, nóng bỏng!

Triệu Hoa| 02/06/2019 15:30

(HNMO) - Chiều 2-6, trao đổi với HNMO, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội chia sẻ về những đổi mới của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng như dự kiến nội dung câu hỏi ông sẽ tham gia chất vấn.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội.


- Trong tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV sẽ dành thời lượng chủ yếu cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. 4 nhóm vấn đề chất vấn liên quan đến các lĩnh vực an ninh trật tự; xây dựng; giao thông vận tải và văn hóa, thể thao, du lịch đều được nhân dân, cử tri quan tâm, qua lấy ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội chọn lựa. Vậy Giáo sư đánh giá thế nào về “sức nóng” của phiên chất vấn tại kỳ họp này?

- Chất vấn trên nghị trường luôn luôn là khoảng thời gian sôi động nhất. Không chỉ có nhân dân, cử tri mà các đại biểu Quốc hội đều rất mong đợi hoạt động này.

Qua thực tế những phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội nhiều năm trở lại đây, hoạt động này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tôi tin rằng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ bảy sẽ thể hiện được tính hấp dẫn, nóng bỏng và bám sát thực tiễn của cuộc sống. 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn lần này đều hợp lý và xứng đáng để đưa ra nghị trường Quốc hội.

Trước hết, về an ninh trật tự, cử tri và nhân dân thời gian qua phản ánh nhiều về những vấn đề phát sinh, đặc biệt là tội phạm ma túy. Nhiều vụ triệt phá cho thấy đối tượng vận chuyển, buôn bán ma túy không chỉ dừng lại ở kilogram, ở yến mà lên tới con số tấn. Trong xã hội cũng liên tiếp xảy ra những vụ án mạng, giết người với thủ đoạn kinh khủng; hoạt động "tín dụng đen", băng nhóm theo kiểu "xã hội đen" lộng hành gây bất an cho người dân.

Và không chỉ có những vấn đề “nóng” của bản thân ngành công an mà trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội cũng liên quan đến ngành này. Chẳng hạn, trong vụ gian lận thi cử xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã và đang có sự vào cuộc của lực lượng công an. Thực tế, Bộ Công an đã vào cuộc mạnh mẽ. Nhiều cử tri đánh giá, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đang tích cực nhất trong việc thể hiện vai trò của mình trong xử lý vụ “bê bối” thi cử mang tính lịch sử này.

Với nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng, vừa rồi tôi có may mắn tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 thì mới thấy có quá nhiều vấn đề.

Không thể phủ nhận việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý đất đai đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh đó có thể nói “sờ đâu cũng có sai”, địa phương nào cũng có sai phạm.

Tôi đã phát biểu trên nghị trường Quốc hội, nêu ra những hạn chế, sai phạm từ khâu quy hoạch, quy hoạch “treo” làm khổ người dân. Trong triển khai thực thi cũng bộc lộ nào là tăng tầng, tăng số phòng, thay đổi quy hoạch, xây dựng chung cư, nhà cao tầng chen chúc trong các khu đô thị...

Trong lĩnh vực giao thông vận tải thì nổi lên vẫn là những chuyện đã cũ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm như ách tắc giao thông, đặc biệt trong các đô thị; bất cập trong triển khai trạm thu phí không dừng…

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải còn phải trả lời cho cử tri và nhân dân được biết về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém, hoặc đầu tư thiếu đồng bộ, nơi cần thì không được đầu tư.

Cuối cùng, công bằng mà nói, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thì có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kỳ vọng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn chuyện cần đem ra bàn thảo, như lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi thông qua “dâng sao giải hạn” hay “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” vừa gây bức xúc trong dư luận xã hội; hoặc du lịch làm sao cho phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, khai thác cho được những tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

- Là đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, Giáo sư đặc biệt quan tâm và dự kiến sẽ dành chất vấn cho vị trưởng ngành nào? Về vấn đề cụ thể gì?

- Là một giáo sư đại học, tôi quan tâm nhất đến vấn đề giáo dục, đào tạo. Tôi quan tâm vì vừa qua xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng đối với ngành này, đặc biệt là vụ gian lận thi cử năm 2018 có thể nói mang tính “thế kỷ” cả về độ rộng, thành phần tham gia, mức độ nghiêm trọng của gian lận và tác động xấu đến đời sống xã hội.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thừa nhận trách nhiệm trong nhiều việc nhưng theo tôi những điều đó là chưa đủ. Do đó, tại kỳ chất vấn này, vị trưởng ngành giáo dục đào tạo không được chọn lựa để “đăng đàn” tôi vẫn muốn dành chất vấn tới Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc (sáng 20-5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ quyết tâm “kiên quyết không để xảy ra gian lận, vi phạm trong thi cử”, nhưng biện pháp nào để thực hiện cho được việc này thì chưa được Chính phủ nêu ra.

Bởi vậy, tôi quan tâm đến cả 4 nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn nhưng tôi mong chờ nhất cơ hội được nêu chất vấn về giải pháp không để xảy ra gian lận, tiêu cực trong thi cử. Tôi cũng hy vọng và tin rằng, với quyết tâm của ngành giáo dục, của Chính phủ và các địa phương, trong các kỳ thi năm 2019 gian lận thi cứ có thể bị đẩy lùi.

Tại hoạt động chất vấn, đại biểu Quốc hội được giơ biển tranh luận, trao đổi lại về vấn đề mình quan tâm mà chưa được làm rõ. Ảnh minh họa


- Giáo sư có tiếc nuối khi các vấn đề kinh tế - xã hội “nóng” hiện nay như việc điều hành giá điện, giá xăng dầu hay bê bối trong thi cử thuộc lĩnh vực giáo dục lại không được các đại biểu lựa chọn cho nội dung chất vấn? Đặc biệt, nội dung chất vấn liên quan đến lĩnh vực do Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý lại chỉ nhận được có 3 phiếu/471 phiếu của đại biểu Quốc hội?

- Công bằng mà nói, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, đất nước ta đã có nhiều khởi sắc; đạt nhiều thành công, thành tựu trên các lĩnh vực nhưng bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có những chuyện “nóng”.

Tôi lo lắng nhưng cũng rất bình tâm vì đất nước nào, quốc gia nào cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả. Chúng ta cần quan tâm sát sao, cùng chia sẻ và cùng hành động để cùng với Chính phủ, các cấp bộ, ngành, chính quyền tìm cách tháo gỡ. Đó mới là cách hành xử đúng!

Cũng xin được nói thêm là để quyết định chất vấn lĩnh vực nào, Quốc hội đã có cách làm khá dân chủ và công khai: Từ việc tập trung hết ý kiến các cử tri trong cả nước, chia nhóm cho các đại biểu Quốc hội; từ đó chọn ra 5 nhóm có nhiều ý kiến của cử tri, rồi gửi cho các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 lĩnh vực để đưa ra chất vấn tại Hội trường.

Tôi có tiếc nuối khi những vấn đề nóng không đưa ra chất vấn tại nghị trường lần này nhưng có thể hiểu được là do thời gian dành cho chất vấn có hạn. Trong khi đó, những chuyện như giá điện, giá xăng dầu hay gian lận thi cử đã được đề cập nhiều trong các hoạt động khác của Quốc hội rồi.

Ví dụ liên quan đến việc điều hành tăng giá điện, thời điểm tăng… đã vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời khá đầy đủ tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội và được các đại biểu chấp nhận. Phó Thủ tướng còn khẳng định Chính phủ đang đề xuất Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu để có thể đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính năm 2019 nội dung chuyên đề về giá điện của EVN.Có lẽ do báo cáo của Chính phủ đã nêu ra khá đầy đủ thông tin nên dễ hiểu chỉ có 3/471 phiếu của đại biểu đề nghị chất vấn vị trưởng ngành Công Thương.

- Giáo sư đánh giá thế nào về những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ bảy này?

- Những đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại những kỳ họp Quốc hội gần đây là rất tốt, đặc biệt đã mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường.

Bảy kỳ họp Quốc hội của khóa XIV đều thường xuyên ghi nhận sự đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Ví dụ như lúc đầu thì mỗi đại biểu được nêu câu hỏi trong 3 phút nhưng hiện nay rút ngắn còn 1 phút để nội dung chất vấn đi thẳng vào vấn đề, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu khác đặt câu hỏi. Phần trả lời của các thành viên Chính phủ cũng chỉ gói gọn trong 3 phút để tránh chuyện “câu giờ”.

Ngoài ra, còn là những đổi mới trong tranh luận. Các đại biểu được giơ biển tranh luận, trao đi đổi lại đến cùng trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn và nóng bỏng cho những phiên chất vấn.

Đặc biệt tại kỳ họp này có sự đổi mới đáng kể là các đại biểu tiếp cận toàn bộ tài liệu đã được chuẩn bị kỹ càng qua máy tính bảng (iPad). Nội dung tổng hợp ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước đã được tổng hợp qua những bản đầy đủ, bản rút gọn và chia ra cụ thể về từng lĩnh vực để gửi đến cho từng đại biểu. Có trong tay nội dung này, đại biểu có thể chắt lọc để truyền tải đến các thành viên của Chính phủ.

Với những cải tiến mạnh mẽ bắt đầu từ kỳ họp này, tôi tin chắc những kỳ họp tới, các đại biểu Quốc hội sẽ không phải “cắp cặp” nữa mà chỉ cần một máy tính bảng để đi họp là đủ!

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ bảy sẽ hấp dẫn, nóng bỏng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.