Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về trách nhiệm người đứng đầu: Sửa đổi rõ và cụ thể hơn

Phong Thu| 08/06/2019 06:45

(HNM) - Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước là nội dung đã được đề cập trong không ít văn bản pháp luật, tuy nhiên các quy định còn chưa rõ, chưa cụ thể để người đứng đầu có thể phát huy hết khả năng, cũng như xử lý trách nhiệm nếu có sai sót.


Vừa không khả thi, vừa... đơn giản

Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ có quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu là “Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý”. Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng, quy định này nghe thì rất hay nhưng không khả thi.

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tại quận Hoàng Mai. Ảnh: Trọng Toàn


Theo Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, Luật Cán bộ, công chức hiện hành có Điều 10 quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu, với nội dung: “Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Tuy nhiên, nhìn vào trách nhiệm người đứng đầu cũng không rõ. Do đó, khi trình sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cùng nhiều luật liên quan thì đề nghị nội hàm trách nhiệm người đứng đầu phải cụ thể hơn, rõ hơn - Tiến sĩ Đinh Duy Hòa đề xuất.

Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội) cũng nhìn nhận, quy định pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu còn khá đơn giản, chưa tương xứng yêu cầu đặt ra.

Tại hội thảo khoa học “Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước” do Bộ Nội vụ tổ chức trong tháng 5-2019, nhiều đại biểu kiến nghị quy định cụ thể các chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm tại đơn vị mình phụ trách, bởi trên thực tế rất khó khăn với việc quy trách nhiệm khi cần. Dẫn chứng những sai phạm nghiêm trọng trong việc sửa điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại một số địa phương, ông Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình băn khoăn: Đã có một số Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan trực tiếp đến sai phạm bị xử lý hình sự, nhưng với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh đó thì chưa biết xử lý như thế nào. Do đó, quy định về trách nhiệm người đứng đầu phải rõ ràng, cụ thể để khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng dễ ràng buộc trách nhiệm.

Yêu cầu cần thiết giai đoạn hiện nay

Tiến sĩ Trần Nghị (Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ) khẳng định, việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước là rất cần thiết, nhất là ở giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định liên quan đến công tác cán bộ, trong đó có việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức lần này, phải thể chế hóa thêm một bước về tiêu chuẩn, phẩm chất, bản lĩnh chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải có đời tư trong sáng, gương mẫu về đạo đức cách mạng và đạo đức công vụ; người đứng đầu không thể độc đoán, chuyên quyền, tự cho mình quyền áp đặt với mọi công việc...

Cho rằng quy định vừa không rõ, vừa mang tính liệt kê như trong các văn bản pháp lý hiện nay là chưa chặt chẽ, Tiến sĩ Đinh Duy Hòa đề xuất 3 điểm để quy định rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu, gồm: Phải chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của cơ quan; chịu trách nhiệm việc hoàn thành kết quả của cơ quan, tổ chức; liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp cấp phó và cán bộ, công chức có vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.

Thực tế tại thành phố Hà Nội, trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung luôn nhấn mạnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố, trước UBND thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Với tinh thần đó, nhiều đơn vị đã chủ động nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong những công việc cụ thể, đó là: Gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác cải cách hành chính; tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu khi triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội”; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo phương châm 5 "rõ": Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả...

Từ các quy định trong văn bản pháp luật và thực tiễn, có thể thấy, dù quy định pháp lý về trách nhiệm người đứng đầu còn chưa hoàn thiện nhưng nếu các cấp, các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm thì hiệu quả mang lại sẽ rõ rệt. Do đó, trong khi chờ chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật thì yêu cầu phải tiếp tục làm tốt là thực hiện các quy định hiện hành một cách nghiêm túc hơn, thực chất hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về trách nhiệm người đứng đầu: Sửa đổi rõ và cụ thể hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.