Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Hiền Phương| 19/06/2019 08:06

(HNM) -  Thời gian qua, trước mỗi hội nghị phản biện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đều tổ chức đi khảo sát thực tế tại cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến nhân dân. Cách làm này đã và đang phát huy quyền làm chủ của người dân, mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.


Ý Đảng hợp lòng dân

Để dự thảo của UBND thành phố về “Quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội” sát với thực tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố vừa khảo sát thực tế tại tòa nhà CT19A Việt Hưng (quận Long Biên), Khu đô thị Đặng Xá II (huyện Gia Lâm); tòa nhà CTA1 và CTA2 - Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). 60 ý kiến, kiến nghị của người dân về dự thảo này đã giúp hội nghị phản biện có cái nhìn sát thực tế, đúng tâm tư, nguyện vọng nhân dân.

Các hội nghị phản biện xã hội đã góp phần tăng cường sự đồng thuận trong thực hiện các nghị quyết, quyết định của thành phố.


Anh Lê Quốc Phong, một cư dân đang thuê nhà ở Khu đô thị Đặng Xá II chia sẻ: “Đây là vấn đề được người dân, nhất là những người có thu nhập thấp như tôi rất mong đợi. Qua hội nghị phản biện, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã kiến nghị lên cơ quan chức năng thống nhất tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc chấm điểm theo tiêu chí, xác định lại khung giá nhà ở xã hội. Chúng tôi rất hy vọng với những điểm mới này, nhiều người dân có thu nhập thấp sẽ có nhà ở”.

Là một trong những cá nhân được các thành viên đoàn khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hỏi ý kiến về dự thảo Nghị quyết “Sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố” trước khi tổ chức hội nghị phản biện, ông Lê Ngọc Long (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi sống ở khu phố cổ đã nhiều năm nên nắm rất rõ tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè ở đây. Vì vậy, khi thành phố đề cập đến vấn đề này tôi thấy rất thiết thực. Thông qua hội nghị phản biện, tôi mong sẽ nói lên tiếng nói của các tầng lớp nhân dân khu phố cổ để cơ quan chức năng chấn chỉnh, quản lý tốt hơn hoạt động trông giữ xe, chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường”.

Trước khi phản biện Dự thảo “Quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án chương trình sữa học đường”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố đã đến các trường mầm non để gặp gỡ, lấy ý kiến giáo viên và hàng trăm phụ huynh. Là một trong những người theo dõi sát sao đề án
này, ông Lê Văn Chính, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Được tham gia cuộc khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố về dự án này và qua theo dõi hội nghị phản biện, tôi thấy đây là cách làm việc rất chặt chẽ. Trong buổi phản biện, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục có ý kiến rất xác đáng. Vì vậy, tôi càng mừng hơn khi đề án này được thành phố triển khai trong năm học vừa qua và đạt kết quả tốt”.

Chặt chẽ trong thực hiện


Để nâng cao hiệu quả công tác phản biện xã hội, năm 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã chủ động phối hợp với HĐND, UBND thành phố thống nhất và ký quy chế phối hợp. Đến nay, công tác phản biện xã hội đã được triển khai ở cả 3 cấp. Sau 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ, Quyết định 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức 18 hội nghị phản biện xã hội đóng góp ý kiến, kiến nghị vào tờ trình và dự thảo Nghị quyết HĐND thành phố, dự thảo quyết định, quy định của UBND thành phố trình tại kỳ họp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức được 204 hội nghị phản biện xã hội; cấp quận, huyện, thị xã tổ chức 177 cuộc đối thoại với nhân dân…

Để hoạt động phản biện xã hội đạt hiệu quả cao, vào tháng 12 hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì thống nhất với HĐND, UBND thành phố các nội dung phản biện trong năm sau theo sự chỉ đạo của Thành ủy. Đó là các dự thảo chương trình, kế hoạch, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, các đề án, dự án… có tác động nhiều đến xã hội do HĐND, UBND thành phố chuẩn bị ban hành.

Từ việc khảo sát thực tế, lấy ý kiến nhân dân trước khi tổ chức phản biện xã hội nên các ý kiến tham gia tại các hội nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc thành phố đều thể hiện được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sau khi tổ chức phản biện, các dự thảo, nghị quyết, đề án lớn của HĐND, UBND thành phố được ban hành thể hiện tính dân chủ cao. “Thông qua hoạt động phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân giúp chính quyền các cấp tiếp thu, điều chỉnh nhiều dự án, đề án, chương trình hành động sát với đời sống xã hội. Đây cũng là hoạt động bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân và sẽ được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.