Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch

Dạ Khánh| 15/07/2019 09:54

(HNMO) - Sáng 15-7, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 5-2-2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành tại 63 điểm cầu. Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.

Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ tư thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật sửa đổi 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Để triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quyết liệt thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quy hoạch; Xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; Xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; Thực hiện các quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong hơn một năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, qua đó đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai Luật Quy hoạch còn chậm, một số khái niệm trong luật còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau dẫn đến việc lúng túng trong áp dụng. Trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian trước mắt, cũng như hoạch định các chương trình, định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, kiểm điểm các công việc đã thực hiện, cũng như đề xuất giải pháp triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng báo cáo về kế hoạch tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị dành phần lớn thời gian để các bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận về các kết quả đạt được trong thực thi các quy định của luật, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; các vấn đề cần tháo gỡ, thống nhất cách hiểu, cách làm trong việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; cách hiểu và áp dụng các quy định chuyển tiếp của luật, nhất là các quy hoạch tích hợp; những vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được lập theo quy định của Luật Quy hoạch...

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Xây dựng và đại diện nhiều tỉnh, thành phố như: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh... đã chia sẻ về những kết quả đạt được trong thực thi các quy định của luật, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; cũng như phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, các bộ, ngành và các địa phương đã đặt câu hỏi khi thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh: Vấn đề điều chỉnh quy hoạch, trình tự lập quy hoạch, các quy hoạch đã được lập nhưng chưa được phê duyệt thì cần làm như thế nào?

Việc chưa có Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch cũng khiến các bộ, ngành, địa phương gặp khó khi tiến hành lập quy hoạch mới cho giai đoạn 2021-2030...

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực phát triển, không gian phát triển của mỗi ngành, địa phương, quốc gia bảo đảm phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm và hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, bảo đảm quá trình đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội là dòng chảy liên tục, không thể vì quy hoạch mà làm ảnh hưởng. 

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sớm cập nhật, bổ sung, lập đồng bộ các quy hoạch, cơ bản xong trong năm 2020. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập các tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn cho các địa phương; chủ trì với Bộ Tài chính sớm phân bổ vốn đầu tư cho công tác quy hoạch; chủ động đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh lập quy hoạch biển quốc gia; quy hoạch sử dụng đất.

Các bộ, ngành trung ương khẩn trương soạn thảo, trình các nghị định hướng dẫn liên quan đến Luật Quy hoạch; tập trung xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc phạm vi quản lý, xác định mục tiêu của từng giai đoạn, định hướng, cơ cấu phát triển, vùng phát triển...; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm tích hợp với quy hoạch ngành, hướng dẫn các địa phương tổ chức lập quy hoạch tỉnh thuộc phạm vi ngành quản lý.

Các địa phương khẩn trương rà soát ban hành các danh mục sản phẩm, phối hợp hoàn thiện Quy hoạch quốc gia, tập trung lập quy hoạch tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh để có sự chỉ đạo đồng bộ thống nhất; cố gắng hoàn thành, phê duyệt trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.