Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển văn hóa là nhiệm vụ trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội

Hoàng Lân - Ảnh: Bá Hoạt| 16/07/2019 14:28

(HNMO) - Chiều 16-7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33) trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Dự hội nghị, đại biểu trung ương có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đại biểu thành phố có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Các đại biểu dự hội nghị.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, với bề dày văn hóa nghìn năm. Lịch sử Thủ đô Hà Nội về căn bản là “lịch sử quốc gia” thu nhỏ. 

Trải qua 7 nhiệm kỳ Đại hội sau đổi mới, Đảng bộ thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt những chủ trương, tư tưởng của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô; nhấn mạnh việc xây dựng người Hà Nội không tách rời quan điểm của Đảng ta về xây dựng con người Việt Nam, nhưng lại mang những nét đặc thù riêng, tạo nền tảng vững chắc, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 chính là sự tiếp nối trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là vai trò và vị thế văn hóa của Hà Nội đòi hỏi phải thực sự tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. 

“Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa…”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều nhiệm kỳ Đại hội vừa qua, Đảng bộ thành phố luôn xây dựng chương trình công tác riêng về vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người. Trong hai nhiệm kỳ gần đây (nhiệm kỳ XV, XVI) có Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Trong đó, Đảng bộ thành phố xác định, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) của Đảng bộ thành phố đề ra. 

Lấy văn hóa làm “sức mạnh mềm” để phát triển Thủ đô

Tham luận của các đại biểu tại hội nghị đã làm rõ hơn những thành tựu trong phát triển văn hóa, đặc biệt là việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng khẳng định, phát triển văn hóa Hà Nội, trong đó có phát triển văn hóa con người Hà Nội là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Đảng bộ, chính quyền Hà Nội cần tăng cường công tác giáo dục để mỗi người dân hiểu rõ hơn giá trị truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng thời, công tác xây dựng văn hóa cần được thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, xã hội; gắn phát triển văn hóa, xây dựng con người với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"…

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận những nỗ lực mà thành phố Hà Nội đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33. Nổi bật là phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có những bước chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng, nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như quốc tế được đẩy mạnh…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá cao công tác giáo dục và đào tạo của Thủ đô; lĩnh vực phát triển văn học, nghệ thuật đã được quan tâm, đổi mới căn bản, có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới được thực hiện bài bản, chặt chẽ và đồng bộ từ thành phố tới cơ sở….

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức và tạo điều kiện để phát huy sự sáng tạo. Đồng thời, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá, giới thiệu văn hóa Thủ đô thông qua xúc tiến văn hóa, du lịch; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc...

“Hà Nội là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống của toàn dân tộc. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô cần đạt kết quả cao hơn, toàn diện hơn, xác định tầm nhìn và tạo khâu đột phá mới cho sự phát triển: Lấy văn hóa làm nền tảng, “sức mạnh mềm” cho phát triển bền vững Thủ đô, trong đó, định hướng xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Hà Nội cất cánh lên tầm cao mới", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố, hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở còn cần sự đồng thuận xã hội, sự tham gia trách nhiệm, tự nguyện, tự giác của cộng đồng và mỗi người dân Thủ đô để cùng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thủ đô thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc.

Tại hội nghị, Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33, gồm: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, Báo Hànộimới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Quận ủy Hoàn Kiếm, Quận ủy Tây Hồ, Huyện ủy Đông Anh, Huyện ủy Thanh Oai, Huyện ủy Đan Phượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hóa là nhiệm vụ trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.