Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển toàn diện trên các lĩnh vực

Võ Lâm| 01/08/2019 06:27

(HNM) - Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã chính thức hợp nhất với thành phố Hà Nội. Đây là dấu mốc lịch sử, giúp Thủ đô có thêm tiềm năng, thế mạnh để tăng tốc phát triển với tầm vóc mới. 11 năm qua, Hà Nội đã phát huy mạnh mẽ các lợi thế, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Sau 11 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã tăng tốc phát triển, mang tầm vóc mới. Ảnh: Thái Hiền

Khẳng định rõ vai trò, vị trí

Nhiều người dân xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) - một trong 4 xã trước đây thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) - đều vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của quê hương trong 11 năm qua.

Chị Nguyễn Thị Thu (dân tộc Mường, xã Yên Trung) cho biết, địa phương được thành phố đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các trường học, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống thủy lợi nên các hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, cũng là một xã thuộc huyện Lương Sơn được hợp nhất về Hà Nội) khẳng định, 11 năm qua là quãng thời gian phát triển nhanh và mạnh nhất của xã, mỗi năm qua đi, Tiến Xuân lại thêm đổi mới, phát triển.

Theo UBND huyện Thạch Thất, chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2019, 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung đã được đầu tư 46 dự án với tổng mức đầu tư gần 407 tỷ đồng, tập trung vào cơ sở hạ tầng. Kinh tế 3 xã có mức tăng trưởng bình quân 12,5%/năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm, so với mức trên dưới 10 triệu đồng/năm trước khi hợp nhất thì đây là bước tiến vượt bậc.

Không chỉ khoảng cách phát triển giữa vùng miền núi, nông thôn và khu vực nội thành của Thủ đô từ thời điểm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 đến nay được rút ngắn đáng kể, Hà Nội còn đạt được những thành tích nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó, thành phố tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Diện mạo đô thị Hà Nội thay đổi nhanh chóng, những cây cầu, tuyến đường mới đã kết nối giao thông thuận tiện hơn; những khu đô thị, công trình hiện đại… đi vào hoạt động tạo nên vẻ đẹp mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích, trên 8% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp hơn 16% về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), hơn 19% về thu ngân sách. GRDP của thành phố tăng bình quân 7,23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng...

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của thành phố tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ năm trước, với GRDP tăng 7,21% (cùng kỳ năm trước tăng 7,15%).

Trong điều kiện nhiều thách thức và thuận lợi đan xen, Hà Nội luôn cho thấy tinh thần không tự thỏa mãn với những gì đã đạt được, luôn nỗ lực và có ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Điều này được minh chứng qua việc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2018 tăng 4 bậc, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc (hoàn thành sớm trước 2 năm so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ).

Năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố đạt hơn 7,5 tỷ USD, vươn lên đứng đầu cả nước. 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội đạt hơn 5 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước.

Xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) đã không ngừng phát triển trong 11 năm qua. Ảnh: Bá Hoạt

Đạt thành tích ấn tượng, bảo đảm vững chắc thế “kiềng 3 chân” trong phát triển (kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng; an sinh xã hội), Hà Nội còn là địa phương làm tốt công tác xây dựng Đảng, là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nhất là về tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đổi mới công tác cán bộ, trọng tâm là đổi mới công tác đánh giá cán bộ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá: “Các đồng chí đã chứng minh việc hợp nhất là chính xác. Trong đó, khó nhất là tổ chức, cán bộ vì động chạm đến lợi ích mỗi người, nhưng Hà Nội đã làm rất tốt. Vừa qua, việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, dù khó, dù “động chạm”, nhưng kết quả bước đầu của Hà Nội rất quan trọng”.

Không ngừng vươn lên

Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đang tập trung hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Bên cạnh thuận lợi là đã có tiền đề phát triển 11 năm qua, kinh nghiệm vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh, Hà Nội đang đứng trước những thách thức đầy to lớn trong bối cảnh thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tốc độ và mức độ cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ.

Nhiệm vụ đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị thành phố Hà Nội ngày càng lớn. Những bài toán phát triển mà Hà Nội cần tìm lời giải rất đa dạng, phong phú. Theo đồng chí Mai Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Hà Nội phải có cơ chế huy động nhiều nguồn nội lực để phát triển hạ tầng trong lúc nguồn ngân sách còn hạn chế.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, thành phố phải sớm phê duyệt quy hoạch đô thị vệ tinh, thúc đẩy toàn diện cơ chế phát triển các đô thị vệ tinh.

Còn Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM) Phan Đức Hiếu kiến nghị, Hà Nội không nên chỉ dừng lại ở tư duy đứng đầu cả nước mà phải tư duy tham vọng trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á...  

Nhằm đề ra hướng phát triển cho Hà Nội trong giai đoạn sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Là người tham gia từ đầu chương trình nghiên cứu này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, công tác nghiên cứu đang được tập trung cao độ với yêu cầu cao nhất là định hướng trúng và đúng cho Thủ đô phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới. Các nhóm nghiên cứu đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm từng chủ trương đề xuất sẽ mang tính thực tiễn và khả thi cao nhất.

Nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là không ngừng nỗ lực để đưa Thủ đô vượt mọi thách thức, tiếp tục phát triển xứng tầm. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khẳng định: “Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục kiên trì mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tất cả phải hướng tới việc huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Khó khăn, thách thức phía trước rất lớn, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra rất cao, nhưng từ những kết quả đáng tự hào đã đạt được qua 11 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu, tiếp tục gương mẫu đi đầu trong các nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin yêu của cả nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển toàn diện trên các lĩnh vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.